Suy tim khá phổ biến ở người cao tuổi. Điều trị trong những trường hợp này rất khó và ít hiệu quả. Do vậy, việc phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Bệnh thường phát hiện trễ
Suy tim khá phổ biến ở người tuổi trên 65 và hầu hết các trường hợp suy tim ở người cao tuổi đều phát hiện trễ khi bệnh đã khá nặng với tình trạng mệt, khó thở, phù trầm trọng. Các biểu hiện điển hình của suy tim là khó thở (thường là khó thở khi gắng sức, sau đó xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, ban đêm phải ngồi dậy để thở); mệt mỏi (dễ mệt khi làm việc và không gắng sức được); phù chân (thường nặng về buổi chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng). Kèm theo phù chân có thể có hiện tượng tức và nặng vùng gan hạ sườn phải. Nặng hơn có thể có tràn dịch màng phổi số lượng ít.
Ngoài ra, bệnh này còn có những biểu hiện không điển hình như ho khan không có đờm kéo dài, ho nhiều khi nằm; tiểu đêm do hiện tượng ứ đọng dịch trong cơ thể cả ngày, ban đêm do thận lọc và tạo nước tiểu nhiều hơn. Bệnh nhân tiểu lượng nước tiểu nhiều nhưng tiểu dễ, không gắt, buốt. Ở người cao tuổi, tiểu cần phải loại trừ do tiền liệt tuyến lớn, suy thận, mất ngủ.
Phòng bệnh khi còn trẻ
Đa số trường hợp suy tim ở người cao tuổi là do cao huyết áp không điều trị hoặc điều trị không đúng mức hay do thiếu máu cục bộ cơ tim. Cũng rất nhiều trường hợp có sự phối hợp của những bệnh này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trong những trường hợp tăng huyết áp nhẹ sau nhiều năm vẫn dẫn đến suy tim, suy thận và nhiều biến chứng khác nếu không điều trị. Thiếu máu cục bộ cơ tim là hậu quả của xơ vữa động mạch làm hẹp lòng động mạch, cản trở máu đến nuôi tim. Đây là tiến trình của quá trình lão hóa, do vậy cần phải phòng ngừa xơ vữa động mạch từ những năm còn trẻ. Một thể suy tim khác thường gặp ở người cao tuổi là suy tim do phổi thường là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen phế quản. Hầu hết các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá nhiều, lâu năm.
Để phòng ngừa suy tim, người bị cao huyết áp dù ở mức độ nhẹ và không có triệu chứng nhức đầu hay mệt cũng phải điều trị đưa huyết áp về dưới 140/90 mmHg. Trong sinh hoạt hằng ngày cần lưu ý hạn chế vận động thể lực nặng (trong những trường hợp suy tim nặng cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường), kiêng ăn mặn (không nên ăn quá 1/3 muỗng cà phê muối trong một ngày), theo dõi cân nặng mỗi ngày (khi cân nặng tăng trên 1,5 kg nhanh bất ngờ phải báo ngay cho chuyên gia y tế vì đây là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe bất thường). Trong những trường hợp suy tim nặng và có dùng thuốc lợi tiểu, cần theo dõi lượng nước uống vào và lượng nước tiểu ra mỗi ngày. Cả 2 dấu hiệu cân nặng và lượng nước xuất, nhập mỗi ngày phải ghi vào sổ theo dõi.
Chớ tùy tiện dùng thuốc Tất cả các loại thuốc điều trị suy tim đều phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý dùng thuốc lợi tiểu dù ở dạng thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc trong những trường hợp có phù. Nếu dùng không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm. |
Bình luận (0)