Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Phòng khám Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trả lời: Vấn đề em gặp phải lần trước là "chuyển dạ nhanh", vì cổ tử cung mở quá nhanh, thai nhi do vậy mà bị tống xuất ra nhanh. Đẻ rớt thường gặp trong những cuộc chuyển dạ sinh con rạ nhiều hơn là con so.
Người đã có tiền sử đẻ rớt thì phải cảnh giác, cần đi khám thai ở các bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ tư vấn cách phòng tránh nguy cơ đẻ rớt (Ảnh minh họa từ Internet)
Có nhiều nguyên nhân: đa sản (đẻ nhiều lần); chuyển dạ sinh con non tháng, nhẹ cân mà cơn gò cường tính; cổ tử cung, eo tử cung hở, mềm bẩm sinh... Cũng có khi không biết rõ nguyên nhân và được cho là cơ địa của sản phụ.
Trẻ sơ sinh đẻ rớt phải được kịp thời chăm sóc, theo dõi đề phòng biến chứng do sang chấn và nhiễm trùng, nhất là nguy cơ bệnh uốn ván sơ sinh nếu mẹ không được tiêm ngừa (VAT) đúng cách trong thai kỳ.
Trường hợp của em là người đã có tiền sử đẻ rớt thì cần cảnh giác, khám thai ở các bệnh viện chuyên khoa để các bác sĩ chẩn đoán, tiên lượng và có những biện pháp dự phòng nguy cơ đẻ rớt.
Bình luận (0)