Tinh hoàn ẩn là bệnh dễ phát hiện. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ dù biết bệnh của con vẫn trì hoãn đưa đi điều trị do sợ trẻ còn nhỏ, động dao kéo vào không tốt.
Lạc cả vào ổ bụng
Lập gia đình gần 2 năm mà vẫn chưa có con, anh Nguyễn Văn S. (29 tuổi, ngụ Thường Tín, Hà Nội) đi khám mới biết mình không có tinh trùng. Tại một phòng khám chuyên khoa nam học và tiết niệu, bác sĩ kết luận anh S. không có tinh trùng vì cả hai tinh hoàn đều không nằm trong bìu mà lạc vào ổ bụng. Các bác sĩ giải thích do tinh hoàn không được nuôi dưỡng ở nhiệt độ thích hợp nên mất dần khả năng sản sinh tinh trùng.
Một ca tinh hoàn ẩn được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức
Theo lời S., lúc nhỏ, bố mẹ đã đưa anh đi khám bác sĩ khi thấy bìu của con không có hột như bình thường nhưng không chỉ bác sĩ mà nhiều người khác cũng khuyên: “Trẻ con nó thế, lớn lên tự khắc biết tìm đường về”. Khi trưởng thành, anh S. cũng thấy lạ nhưng vẫn tặc lưỡi nghĩ rằng lấy vợ rồi đâu sẽ vào đấy. Ai ngờ, lúc biết bệnh thì anh đã vĩnh viễn không còn cơ hội làm cha.
Bác sĩ Lương Nhất Việt, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật nhi Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết tinh hoàn ẩn hay tinh hoàn lạc chỗ là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ trai. Trong quá trình phát triển của bào thai, không ít trường hợp tinh hoàn nằm luôn trong ổ bụng hoặc “lang thang” ở thành bụng hay ống bẹn. Có trường hợp, cả hai tinh hoàn lạc chỗ nhưng đều không chịu “về nhà”.
Nguy cơ cao ở trẻ thiếu tháng
PGS-TS Trần Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phẫu thuật nhi Bệnh viện Việt Đức, khuyên khi con còn nhỏ, các bậc cha mẹ nên kiểm tra ngay “hạt giống” của con xem có đủ không. Đơn giản nhất là bằng mắt thường khi nhìn thấy túi bìu không cân đối, tức là một bên trông bình thường và một bên nhỏ hoặc xẹp lép; thậm chí cả hai túi bìu nhỏ, xẹp. Dùng tay nắn nhẹ vào bìu, nếu không thấy tinh hoàn ở một hoặc cả hai bên là bất thường. Có trường hợp tinh hoàn lúc ở bìu, lúc bị co lên trên ống bẹn.
Khi nhận thấy hiện tượng bất thường, nên đưa trẻ đi khám vì nếu điều trị muộn có thể ảnh hưởng tới thiên chức làm cha. Nguyên nhân do nhiệt độ ở vùng bìu bao giờ cũng thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 2oC – 3oC. Nếu chẳng may tinh hoàn “lạc” vào chỗ “ấm áp” hơn sẽ không sản xuất được tinh trùng. Khiếm khuyết này có thể làm giảm khả năng sinh sản ở những người bị ẩn tinh hoàn.
Tinh hoàn nằm lạc chỗ còn có thể dẫn đến biến chứng xoắn tinh hoàn cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được mổ cấp cứu trong vòng 6 giờ thì tinh hoàn sẽ bị hoại tử, phải cắt bỏ. Mặt khác, trường hợp tinh hoàn ẩn trong ổ bụng, phát hiện muộn và không được phẫu thuật thì có thể phát triển thành u ác tính. “Những trường hợp phải cắt bỏ tinh hoàn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chức năng nội tiết nhưng có thể tránh được nguy cơ ung thư sau này” - bác sĩ Việt cho biết.
Bệnh này thường gặp ở trẻ sinh thiếu tháng với tỉ lệ 30%. Trong 6-12 tháng sau khi sinh, sự đi xuống của tinh hoàn vẫn có thể tiếp tục xảy ra nhưng sau 1 tuổi, khả năng tinh hoàn “đi lạc” rất hiếm.
Có thể phẫu thuật sau khi được 1 tuổi Theo bác sĩ Lương Nhất Việt, người có tinh hoàn ẩn cần được điều trị càng sớm càng tốt. Phẫu thuật có thể tiến hành sau khi trẻ được 1 tuổi, khi cơ thể đã ổn định và chịu được gây mê. Phẫu thuật trước 6 tuổi thường đạt hiệu quả cao vì không chỉ ngăn ngừa nguy cơ vô sinh, ung thư tinh hoàn mà còn tránh tâm lý mặc cảm vì khác biệt so với bạn bè. Nếu không đưa “hạt giống” về đúng chỗ, sau 6 tuổi, khả năng sinh tinh của tinh hoàn lạc chỗ đã bắt đầu bị ảnh hưởng và sau 12 tuổi, tỉ lệ vô sinh có thể lên tới 70%.
Bình luận (0)