Con đỉa trâu dài 10 cm bám trụ trong cổ họng bệnh nhân - Ảnh: Huyền Thanh
Bác sĩ Lê Thanh Huyền, Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết các bác sĩ tại đây vừa gắp con đỉa dài gần 10 cm, to bằng ngón tay trong khí quản bệnh nhân Hà Văn H. (ở Phú Thọ). Khoảng 1 tháng nay, anh H. ho nhiều về đêm, khó thở, có lúc ho khạc ra máu. Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều cơ sở y tế khác và được chẩn đoán viêm phế quản, uống thuốc nhiều nhưng không đỡ, những cơn khó thở càng trở nên dữ dội hơn.
Khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ nội soi phát hiện trong thanh quản bệnh nhân có dị vật sống di chuyển trong đường thở. Khi dùng ánh sáng soi, dị vật bám chặt lấy vùng dưới thanh môn và chui sâu xuống khí quản. Sau khi được gây tê, dị vật lại tiếp tục co nhỏ rơi sâu xuống khiến bệnh nhân sặc sụa, khó thở. Cả ê-kíp sau đó đã phải nhiều giờ bằng phương pháp nội soi nhưng không lấy được dị vật. Không để người bệnh phải có những cơn khó thở lâu hơn nữa, các bác sĩ đã quyết định gắp dị vật sống ra bằng phương pháp nội soi gây mê và đã gắp con đỉa trâu ra ngoài. Con đỉa dài gần 10 cm, to bằng ngón tay được gắp ra khỏi khí quản bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị đỉa ký sinh trong cơ thể người thường là người miền núi, hay sử dụng nước trong các khe suối trong mỗi chuyến đi rừng. Con đỉa, con vắt khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng có kích thước bé xíu nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh. Vì vậy, người dân miền núi không nên sử dụng nguồn nước không bảo đảm ở các khe suối để uống, sinh hoạt, tránh hiện tượng đỉa, vắt chui vào người.
Bình luận (0)