Dù chưa bước vào mùa mưa nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) đều tăng, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành y tế và gây lo ngại cho cộng đồng.
Tăng 30%-45%
Theo Bộ Y tế, tại thời điểm này, số ca mắc SXH ở khu vực miền Bắc và miền Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2014. Thống kê 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 11.389 ca mắc SXH, trong đó tại khu vực miền Nam số ca mắc tăng hơn 35%. Các tỉnh có tỉ lệ mắc SXH tăng cao từ 30%-45% là: Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng. Dự báo trong thời gian tới, do mùa mưa sắp đến, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Tại TP HCM, báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng cho thấy dịch bệnh SXH từ đầu năm 2015 đến nay chưa có dấu hiệu giảm. TP đã ghi nhận gần 4.000 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, cho biết TP đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch SXH, trong đó đáng lưu ý là phát biểu mẫu yêu cầu các gia đình, cơ quan, xí nghiệp cam kết không để xảy ra các yếu tố liên quan đến SXH.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với tình hình thời tiết khô hạn như hiện nay cùng với thời tiết chuyển sang mưa, nguy cơ dịch ở khu vực phía Nam sắp tới sẽ bùng phát mạnh. “Việt Nam lưu hành cả 4 type virus SXH gồm D1, D2, D3 và D4 nên người dân mắc SXH D1 vẫn có thể mắc các type còn lại trong cùng một năm mà không có miễn dịch. Không những thế, những lần mắc bệnh sau còn nặng hơn lần trước” - ông Phu cảnh báo.
Trước đây, dịch SXH thường xuất hiện theo mùa gia tăng ở khu vực phía Nam từ tháng 6 (thời điểm vào mùa mưa) và ở phía Bắc từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, gần đây, do những thay đổi về thời tiết và môi trường nên bệnh xuất hiện quanh năm, không chỉ tại những vùng vốn lưu hành nguồn bệnh mà ngay tại các đô thị có mầm bệnh rình rập. PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, nhìn nhận không phải những nơi có môi trường tốt thì không có SXH. Ngay như Singapore, một đất nước xanh, sạch, đẹp, tình trạng SXH cũng khá cao. Điều này cho thấy yếu tố nguy cơ dịch bệnh SXH chính là trong nhà. “Khu vực phía Nam nhiều khả năng sẽ gia tăng số ca mắc bệnh vì tỉ lệ lưu hành virus trong cộng đồng cao, mưa thất thường” - ông Lân dự báo.
Mắc bệnh: Người lớn nặng hơn trẻ nhỏ
Các chuyên gia y tế lưu ý hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên tất cả mọi người đều có thể mắc SXH, nhất là trẻ em. Việc phòng ngừa SXH chủ yếu là từ ý thức của người dân.
Trong lĩnh vực điều trị, các bác sĩ cho rằng vai trò chẩn bệnh SXH của tuyến trước rất quan trọng. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), phân tích nguyên nhân tử vong của gần 10 bệnh nhi đến đây điều trị trong năm 2015 là do bác sĩ tuyến trước nhận định và can thiệp chưa thích hợp, kịp thời; bệnh nhi nhập viện trễ... TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, lưu ý trong việc tập huấn điều trị SXH cho các bác sĩ tuyến dưới gửi lên, các bệnh viện tuyến tỉnh nên chọn người đúng chuyên khoa, đủ năng lực chuyên môn để có kết quả mong muốn.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đối tượng có thể mắc SXH bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em, tuy nhiên ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do SXH đa số rơi vào người lớn. Nguyên nhân của các ca tử vong ở người lớn đều do chủ quan và nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. SXH ở người lớn và trẻ em rất khác nhau. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn; xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch).
Trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát, GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Các cơ sở y tế, bệnh viện sẵn sàng cấp cứu và điều trị người bệnh, nhất là thực hiện chuyển tuyến kịp thời để tránh tình trạng người bệnh không được chẩn đoán và phân loại một cách chính xác...
Hợp lực chống dịch
Bộ Y tế vừa gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống SXH” lần thứ 5, năm 2015. Ngoài phát động hưởng ứng tại địa phương nhằm nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của cộng đồng trong phòng chống SXH, cần tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn; huy động chính quyền các cấp; các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân phối hợp triển khai nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh SXH đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia; Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là 2 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Việt Nam. Ước tính, hằng năm có khoảng 50 triệu - 100 triệu người mắc bệnh SXH.
Bình luận (0)