Nguyễn Thị Tính (Hải Phòng) hỏi: "Con tôi 17 tuổi, nặng 60 kg, cao 1,72 m nhưng ăn rất ít. Buổi sáng, cháu chỉ uống 1 cốc sữa và ngũ cốc, buổi trưa ăn 1-2 chén cơm cùng với thịt, rau, trái cây; buổi chiều cũng vậy. Cháu không ăn nhiều thịt. Trong khi đó, con trai tôi chơi thể thao khá thường xuyên. Vậy khẩu phần ăn cho độ tuổi này như thế nào là hợp lý?".
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, trả lời: Để đánh giá khẩu phần của trẻ có bảo đảm so với nhu cầu hằng ngày hay không, chúng ta có 2 cách: Thông qua tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần ăn (dựa vào mức tiêu thụ lương thực - thực phẩm của cá thể trong 24 giờ). Để xác định trẻ phát triển tốt, gầy hay thừa cân, có thể dựa theo công thức tính chỉ số khối cơ thể BMI. BMI được tính bằng cân nặng (theo kg) chia cho chiều cao bình phương (theo m). Nếu BMI dưới 18,5 là thiếu năng lượng trường diễn, BMI từ 18,5-24,9 là bình thường, BMI bằng hoặc trên 25 là thừa cân, bằng hoặc trên 30 là béo phì.
Tuổi 17 được các cụ gọi là tuổi "bẻ gãy sừng trâu", là tuổi sung sức của con người nên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho độ tuổi này là từ 2.000-2.200 kcal/ngày. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể, cần bổ sung 70-100 g chất đạm/ngày, trong đó tỉ lệ đạm động vật chiếm 35%-40%. Nguồn đạm động vật cung cấp cho bữa ăn có từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...; nguồn đạm thực vật có từ đậu đỗ, vừng, lạc; chất béo (dầu, mỡ, bơ), chất bột đường (gạo, mì…), vitamin và chất khoáng (rau, quả).
Độ tuổi như con bạn vẫn là lứa tuổi đang học tập. Nếu trẻ phải thức khuya học nhiều, cần cho ăn thêm bữa phụ như sữa, trái cây... Ngoài ra, độ tuổi này cần chất sắt 12-18 mg/ngày, thiếu nữ cần 20 mg/ngày nên trong bữa ăn nên bổ sung chất sắt có nguồn gốc động vật như: thịt bò, trứng gà, trứng vịt, tim heo, gan gà...
Bình luận (0)