Gần đây, đối tượng mắc bệnh cúm A/H1N1 không phải thuộc nhóm có nguy cơ cao như người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người có sẵn bệnh mãn tính mà phần lớn là những người khỏe mạnh. Điều này khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ biến chủng của virus cúm mùa H1N1.
Virus H1N1 có khả năng biến đổi linh hoạt
Cúm A/H1N1 vốn được biết đến là chủng cúm thông thường bởi những triệu chứng thường chỉ làm người bệnh khó chịu như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và cũng có thể gây ra những biến chứng nặng nhưng tỉ lệ tử vong thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số bệnh viện ở Hà Nội thường xuyên tiếp nhận các ca nhiễm cúm A/H1N1 nặng với biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, suy đa tạng và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sau đại dịch cúm A/H1N1, đến nay, chủng cúm này vẫn xuất hiện và lưu hành như một virus cúm mùa. Do đó, việc có bệnh nhân mắc cúm này là đương nhiên.
Theo một chuyên gia dịch tễ, cúm A/H1N1 là chủng virus có khả năng biến đổi linh hoạt với môi trường sống. Bản thân virus này có nhiều đoạn gien khác nhau. Để tồn tại và thích nghi với môi trường sống, chúng buộc phải biến đổi, sắp xếp các đoạn gien theo một cấu trúc mới. Chính vì vậy, khi xâm nhập, để nhân lên được trong cơ thể người bệnh, virus này buộc phải biến đổi.
Các virus cúm có thể tái tổ hợp
Theo bác sĩ Hà, virus cúm A/H1N1 có đặc tính lây lan nhanh nhưng không gây tử vong cao. Trong khi đó, virus cúm H5N1, H7N9 gây tử vong cao, nếu các chủng virus này tái tổ hợp sẽ tạo ra một loại virus mới vừa có đặc tính lây lan nhanh lại gây tử vong cao thì cực kỳ nguy hiểm.
PGS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng trong những tuần gần đây, khi dịch cúm A/H7N9 xuất hiện ở Trung Quốc, sự trở lại của cúm A/H5N1 trên người cộng thêm sự lưu hành của cúm thường H1N1 càng khiến người ta lo ngại về khả năng tái tổ hợp giữa virus cúm A/H1N1 với cúm A/H7N9 hoặc H5N1.
“Đặc tính của virus cúm là biến đổi rất nhanh và thích nghi với nhiều vật chủ. Trong thời điểm hiện nay, đáng sợ nhất là virus mới lấy độc lực của virus cúm A/H5N1 với tỉ lệ tử vong 50%- 60% và tính lây lan nhanh của H7N9 hoặc H1N1 tạo thành chủng virus mới có độc lực mạnh, lây lan nhanh. Nếu điều này xảy ra thì con người phải đối diện với một loại virus mới nguy hiểm gấp bội, lây lan nhanh như dịch SARS” - ông Huấn phân tích.
PGS-TS Trịnh Quân Huấn cho biết đến nay, con người vẫn chưa hiểu cặn kẽ virus cúm. Chính vì thế, dù biết cách thức lây lan, sự tác động đối với cơ thể và có phác đồ điều trị nhưng con người vẫn luôn bị động trong việc đối phó với virus cúm. Ngay cả việc phòng bệnh cũng rất khó khăn vì không phải chủng virus cúm nào cũng có vắc-xin phòng bệnh.
“Con người phải chạy đua theo sự biến đổi của virus cúm vì không thể tiêu diệt hết vật chủ của cúm đó là người, động vật và các loài chim hoang dã. Trong khi đó, virus cúm ngày càng có sự biến đổi, thích nghi với nhiều vật chủ. Mỗi lần như thế, không loại trừ khả năng tái tổ hợp gien giữa các chủng virus cúm”- ông Huấn cảnh báo.
Giới chuyên môn khuyến cáo cần cảnh giác cao độ với virus cúm A/H7N9, H5N1 và cả cúm thường H1N1. Cho tới nay, bệnh cúm A/H5N1 chỉ lây từ gia cầm cho người (do ăn, tiếp xúc gia cầm và sản phẩm từ gia cầm bị nhiễm bệnh), chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn của virus H5N1 là chúng có thể đột biến gien bất cứ lúc nào để có thể lây lan từ người sang người. Trong khi đó, virus H7N9 dù chưa ghi nhận ở Việt Nam nhưng đang được đánh giá là nguy hiểm hơn cả virus cúm A/H5N1 vì tốc độ lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao.
Lo các chủng virus hợp lực tấn công Theo các chuyên gia dịch tễ, sự xuất hiện các ca nhiễm cúm A/H1N1 vào thời điểm này không đáng lo ngại bằng việc các chủng virus cúm hợp lực tấn công. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các virus cúm đều bắt nguồn từ chim hoang dã, những loài có thể truyền bệnh sang chim nuôi và người. Trong khi đó, heo lại là “chất liệu” đặc biệt tốt cho sự pha trộn về mặt sinh học bởi chúng có thể bị nhiễm cả virus cúm gia cầm, heo và cúm người; là môi trường tốt cho những virus này biến đổi gien, tạo ra những dòng hoàn toàn mới. |
Bình luận (0)