Theo Medical Xpress, nhóm dẫn đầu bởi giáo sư về sinh học tế bào Maksim Plikus từ UCI đã nghiên cứu các nốt ruồi có lông, thứ vẫn còn là bí ẩn đối với y học.
Cuộc tìm kiếm 10 năm đã giúp xác định một chất hóa học được tiết ra từ các tế bào sắc tố của nốt ruồi có lông là phân tử osteopontin, có khả năng kích thích các tế bào gốc nang lông.
Chứng hói đầu vẫn là một vấn đề "nan y" và ảnh hưởng lớn đến nhiều người - Ảnh minh họa từ MEDICAL XPRESS
Bài công bố vừa được xuất bản trên tạp chí danh tiếng Nature cho biết đó sẽ là một bước đột phá lớn trong điều trị chứng hói đầu, "nỗi khổ" rất lớn của nhiều người, đặc biệt là quý ông.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng khác biệt quan trọng giữa nốt ruồi có lông và vùng da lân cận là nốt ruồi chứa các tế bào sắc tố nói trên. Chúng là các tế bào già, đã phân chia xong, tức các tế bào đã lão hóa.
Các tế bào lão hóa thường được cho là vô dụng, có hại cho quá trình tái tạo. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện chúng tiết ra "một đống các thứ" có lợi mà tế bào bình thường không làm. Trong đó có osteopontin, tương tác với các tế bào gốc CD44, giúp chuyển đổi "công tắc mọc tóc".
Giáo sư Plikus cho biết điều này có thể tạo nên một loại thuốc thế hệ tiếp theo nhằm kích hoạt sự phát triển trở lại của tóc thông qua kỹ thuật vi tiêm vào da đầu, có thể là 6 tháng một lần hoặc lâu hơn, giống như người ta tiêm botox làm đẹp.
Các nhà nghiên cứu UCI vẫn đang tìm hiểu tiếp các phân tử khác để xem liệu còn có thêm những con đường tiềm năng khác cho việc "đảo ngược" chứng hói đầu không, phối hợp với các đối tác từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Giáo sư Plikus cũng là người đồng sáng lập Công ty dược phẩm sinh học tư nhân Amplifica Holdings Groups, nơi osteopontin đang được thử nghiệm trên các mảnh da người trong phòng thí nghiệm.
Sẽ cần thêm nhiều thời gian cho các thử nghiệm và sản xuất một loại dược phẩm có thể ứng dụng trực tiếp, tuy nhiên hy vọng là rất lớn vì các kết quả ban đầu cho thấy công việc hoàn toàn thuận lợi.
Bình luận (0)