Khuôn mặt thất thần, mắt đỏ hoe, đến giờ anh Nguyễn Thành Danh (22 tuổi, quê Bình Phước) vẫn không tin con gái N.N.B.T (16 tháng tuổi) bị lao màng não. Anh kể tháng 9-2018, phát hiện bé T. không cử động được bả vai nên anh đã đưa con đến bệnh viện (BV) gần nhà để khám.
Dễ nhầm với các bệnh thông thường
Các bác sĩ (BS) chẩn đoán bé bị chấn thương phần mềm và cho uống thuốc giảm đau. Do chủ quan, anh vẫn để bé ở nhà khoảng 1 tháng. Các triệu chứng vẫn không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Lo lắng, vợ chồng anh tiếp tục đưa con đến BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Tại đây bé được chẩn đoán viêm xương cánh tay, viêm tủy; uống thuốc được 2 ngày thì bé tiếp tục sốt, mệt hơn… "Thấy không khả thi, chúng tôi tiếp tục chuyển con đến BV Nhi Đồng 1. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm xương cánh tay, điều trị 1 tháng nhưng bệnh ngày càng trầm trọng hơn và bé rơi vào hôn mê suốt 1 tuần. Kết quả chụp CT não mới phát hiện con bị lao màng não và được chuyển tới BV Phạm Ngọc Thạch" - anh Danh đau khổ nói.
Bác sĩ Trương Văn Vĩnh thăm khám cho bệnh nhi mắc lao
Tại BV Phạm Ngọc Thạch, các BS nhận định bé T. được phát hiện bệnh và điều trị quá muộn. Hiện bé không thể ăn bằng miệng, phải đặt ống truyền dinh dưỡng, não cũng bị tổn thương, sẽ để lại nhiều di chứng nặng như thiểu năng trí tuệ, động kinh, teo cơ, liệt, mù mắt, điếc…
Tương tự, chị N.T.M (36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), mẹ bệnh nhi H.G.B (7 tháng tuổi) thuật lại, cách đây 2 tháng con chị ho, sốt, khò khè đi khám ở phòng khám gần nhà không hết. Chị đưa con đến BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) để khám. Bé được chẩn đoán viêm phổi, xẹp thùy trên phổi bên phải, được điều trị nội trú suốt 45 ngày nhưng càng điều trị con càng nặng thêm, đặc biệt là sốt kéo dài 1 tháng, tiêu chảy cấp. Rất may BV đã mời BS Trần Ngọc Đường, Trưởng Khoa Nhi BV Phạm Ngọc Thạch, sang cùng hội chẩn. Sau hội chẩn, BS Đường cho bé B. uống thuốc lao phổi 2 ngày thì ngắt cơn sốt, sau đó bé được chuyển sang BV Lao Phạm Ngọc Thạch để tiếp tục điều trị.
Nên tầm soát cho trẻ
Tại Việt Nam, bệnh lao thường không được chẩn đoán ở trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi. Trẻ em thiếu tiếp cận đến các dịch vụ y tế cũng như nhân viên y tế không được chuẩn bị để nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao ở nhóm tuổi này.
Theo BS Trần Ngọc Đường, các dấu hiệu bệnh lao của trẻ rất khó nhận biết bởi biểu hiện giống như các bệnh: ho, sốt, đổ mồ hôi trộm, chán ăn, sút cân… Do đó, các bậc cha mẹ thường dễ bỏ qua vì chủ quan nghĩ rằng con chỉ bị cúm, viêm phế quản, suyễn, ho thông thường. Mặt khác, tại cơ sở y tế cũng thường bỏ qua do việc phát hiện lao ở trẻ rất khó khăn. Vì vậy, khi phát hiện trẻ nhiễm lao thường sẽ rơi vào tình trạng muộn, rất khó chữa trị, để lại nhiều di chứng nguy hiểm; là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cụ thể, ở người lớn tỉ lệ tìm được vi trùng lao trong đàm lên đến trên 50%, ở trẻ lớn là 12% nhưng ở trẻ nhỏ tỉ lệ này chỉ khoảng 2%. Về mặt địa lý, tại BV Phạm Ngọc Thạch, tỉ lệ chẩn đoán lao lên đến 80%-90% nhưng ở BV tuyến tỉnh tỉ lệ chẩn đoán rất thấp. BS Đường liệt kê những trẻ bị sơ nhiễm lao thường có biểu hiện như: ho, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đổ mồ hôi trộm... Ngoài ra, còn có thể có ho khan, khạc đàm, đau ngực, khó thở. Tùy theo trẻ mắc loại lao gì mà bệnh cảnh còn có thêm những triệu chứng điển hình khác.
BS CKII Trương Văn Vĩnh, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến BV Phạm Ngọc Thạch, nhận xét trẻ bị lao thường bắt nguồn từ chính người thân bị mắc bệnh lao, những trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu cân lúc sinh, suy giảm hệ miễn dịch mắc phải hoặc bẩm sinh chiếm đến 70% và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, ngoài cộng đồng. Tại BV Phạm Ngọc Thạch, hằng năm BV tiếp nhận khoảng 500 lượt trẻ em đến điều trị.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trẻ em mắc bệnh lao tiềm ẩn chưa thể phát hiện điều trị sớm, điều này càng khó để thực hiện thành công bài toán chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Theo BS Vĩnh, nguy cơ từ nhiễm trở thành bệnh lao là 10% trong 10 năm sau khi bị nhiễm lao. Nguy cơ này tùy thuộc nhiều yếu tố như tuổi khi nhiễm lao, tình trạng dinh dưỡng sức khỏe của trẻ, tình trạng vi khuẩn lao của nguồn lây tiếp xúc, thời gian và cường độ tiếp xúc nhiều hay ít.
BS Vĩnh khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng vắc-xin ngừa lao (vắc-xin BCG) trong vòng 1 tuần đầu đời nhằm ngăn chặn lao sơ nhiễm, đồng thời phải hạn chế tối đa trường hợp trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, những trẻ và người có tiếp xúc với người bệnh lao phổi cần được quan tâm tầm soát lao hằng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi còn ở thể lao nhẹ, hạn chế những biến chứng nguy hiểm về sau. Ngoài ra, trường hợp gia đình có người bệnh lao phổi thì cần áp dụng các biện pháp vệ sinh để tránh lây nhiễm lao cho người thân, trong đó có trẻ nhỏ (ở phòng riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên). Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh lao phổi. Tăng cường sức đề kháng của cơ thể (chống suy dinh dưỡng), giữ nhà cửa thông thoáng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em dưới 3 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất nhiễm lao phổi. Lao phổi ở trẻ em gây ra nhiều dạng nguy hiểm khác như lao màng não, để lại các di chứng mù, điếc, liệt chi hoặc thiểu năng trí tuệ.
Bình luận (0)