Trong một lần làm vườn nhưng không mang giày bốt, ông Ng.V.L (70 tuổi, ngụ Đắk Lắk) vô tình đạp phải một vật. Do không có cảm giác đau nhiều nên ông chỉ phủi sơ bàn chân như chẳng có gì xảy ra...
Không thể tùy tiện xử lý
Tuy nhiên, sau mấy tháng kể từ hôm đạp dằm, ông đã phải lặn lội đến 2 bệnh viện (BV) ở TP HCM để phẫu thuật vì lòng bàn chân trái nhiễm trùng nặng, phải cắt lọc. “Từng tuổi này mới biết cái dằm nguy hiểm đến vậy” - ông nói.
Việc tự ý lấy dằm có thể làm tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trường hợp khác là chị Ng.M.Ng (ngụ quận 6, TP HCM) bị một dằm gỗ nhỏ đâm vào chân. Do phần gỗ khá mềm nên chị không thể dùng nhíp gắp ra mà phải lấy mũi dao nhọn và kim để cố rạch, lấy phần gỗ ra. Làm xong thấy hết cộm, chị yên tâm sinh hoạt bình thường. Không ngờ, một tuần sau, chị phải lên bàn mổ do bên chân bị đạp dằm gỗ bỗng sưng đau dữ dội và gây sốt. Bác sĩ (BS) xác định chị bị áp-xe do nhiễm trùng.
Từng tiếp nhận không ít ca tương tự, BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết bệnh nhân chỉ đến BV khi chân đã bị nhiễm trùng, sưng đau, thậm chí tình trạng đã khá nặng bởi họ không nghĩ rằng đạp phải một mẩu gỗ, kim loại hay thủy tinh nhỏ xíu lại có thể “sinh chuyện” như thế. Dù dị vật có kích thước nhỏ, đa số các trường hợp vẫn cần mở rộng vết thương để có thể lấy nó ra, do đó công việc này không thể tùy tiện.
BS Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh, cảnh báo rằng một số bệnh nhân bị nhiễm trùng không phải do dị vật mà vì chính vi khuẩn từ các vật dụng được dùng để lấy chúng ra. Nhiều người cho rằng nếu sát trùng kim, dao bằng cồn hay đốt nóng thì sẽ “chắc ăn” nhưng theo BS Định, suy nghĩ đó cũng hoàn toàn sai lầm. Chúng ta không thể biết được có những loại vi khuẩn gì trên kim, trên dao và chúng sẽ chết trong môi trường nào, nhiệt độ nào. Không phải tự dưng mà mọi dụng cụ y tế dùng trong BV đều phải trải qua quy trình xử lý rất phức tạp. Khi đạp dằm, vật sắc nhọn..., bản thân dị vật đã mang vi khuẩn vào cơ thể rồi, nếu lại can thiệp bằng những dụng cụ không bảo đảm vô trùng thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng lên.
Khó kiểm soát dị vật
Theo BS Định, các dị vật mà dân gian gọi nôm na là “dằm” gồm có 2 loại: loại cản quang (bằng sắt, đá, xương...), loại không cản quang (gỗ, thủy tinh, nhựa...). Trong đó, loại không cản quang tương đối khó phát hiện dù có dùng đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Và cho dù là loại gì, khi bệnh nhân tự tìm cách lấy ra thì sẽ rất khó kiểm soát được dị vật. Có thể nó chỉ được lấy ra một phần, cũng có thể nó bị đẩy sâu hơn vào cơ thể...
Nếu dị vật còn nằm trong cơ thể thì có 2 tình huống xảy ra: hoặc nó được cơ thể bao bọc lại và tạm “ngủ yên” hoặc nó có thể gây ra khối áp-xe. Cũng như mọi trường hợp nhiễm trùng khác, nếu bệnh nhân di chuyển sớm đến BV khi tình trạng còn chưa nặng, BS sẽ tìm cách xử lý đơn giản hơn để tránh can thiệp phẫu thuật không cần thiết. Nếu để lâu, nhiễm trùng đã nặng thì việc điều trị sẽ trở nên phức tạp. Chưa kể bệnh nhân cũng cần đi tiêm phòng uốn ván (phong đòn gánh) khi đạp phải bất cứ thứ gì.
BS Ánh khuyên rằng những người từng đạp phải một cái dằm, dị vật trong thời gian gần, nếu bỗng thấy lòng bàn chân sưng đau, cộm, có hiện tượng sốt... thì nên đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng để kéo dài không những gây nhiễm trùng rộng hơn mà còn có nguy cơ dẫn đến hoại tử.
Vật lớn, không nên tự ý lấy ra
Các chuyên gia khuyến cáo nếu bạn đạp phải một vật có kích thước tương đối lớn, chẳng hạn cây đinh, thì đừng nên vội lấy ra bởi nó có thể gây tổn thương mạch máu, thậm chí làm chảy máu ồ ạt. Việc tự loại bỏ dị vật cũng sẽ gây khó khăn cho phẫu thuật viên khi xử lý tình huống vì khó xác định chính xác các tổn thương sâu bên trong.
Trong tình huống đó, tốt nhất là nên tìm cách cầm máu tạm thời, cố gắng đừng để dị vật xô lệch hay cắm sâu thêm và nạn nhân cần nhanh chóng đến BV.
Bình luận (0)