Không chỉ Covid-19, mà tất cả tác nhân gây bệnh khác đều gây ra những vấn đề khác nhau ở mỗi người. Quan trọng là tỉ lệ đó trong cộng đồng như thế nào.
Ví dụ như mấy ngày nay nhiều người bàn về "hội chứng viêm sau khi trẻ nhiễm Covid-19", giống Kawasaki và chữa y chang Kawasaki, trước đây vẫn gặp ở những trường hợp nhiễm virus khác, kết hợp với yếu tố gien. Vì thế, nó chỉ xuất hiện ở trẻ có cơ địa rất đặc biệt. Con mình là đứa trẻ bình thường, không có gì phải bận tâm. Nên nhớ trong bệnh Covid-19, trẻ con bệnh nhẹ nhưng lại rất dễ bị ảnh hưởng khi người lớn quá lo âu.
Hay nếu bạn nhìn vào thống kê ở một bệnh viện điều trị Covid-19 tầng cao để rồi lo sợ về một biến chứng nào đó là "phổ biến" là không đúng, vì ở nơi đó vốn tập trung những người có cơ địa đặc biệt rồi, chứ không phải một tỉ lệ chung cho cộng đồng.
Thay vì lo "cơn bão" này, "cơn bão" kia sẽ xảy đến, hãy lo bồi bổ, nghỉ ngơi, tập hít thở cho mau bớt bệnh, sẽ hay hơn.
Người chích 2 mũi vắc-xin rồi vẫn bệnh nặng? Có không? Có, nhưng cũng chỉ ở người có cơ địa đặc biệt, hiếm gặp trong cộng đồng. Lo chuyện đó mà không lo chích, nguy cơ bệnh nặng mới cao.
Thay vì quá suy nghĩ về những chuyện hiếm gặp, hãy coi chừng chính sự lo âu của mình. Stress trong đại dịch là một điều rõ ràng, dễ gặp. Người mắc Covid-19 càng dễ lo âu, dễ hoảng loạn, dễ stress từ lúc bệnh cho tới lúc đã hồi phục, ngồi nghĩ hoài không biết mình an toàn chưa, không biết có để lại di chứng nào không. Chính sự "ngồi nghĩ hoài" đó mới ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn.
Khi mình thấy hiện tượng gì mà thắc mắc, hãy thử xem tỉ lệ đó là bao nhiêu trong cộng đồng chứ đừng vì 1-2 ca mà vội hoảng. Khi vắc-xin bao phủ đủ, tỉ lệ bệnh nặng giảm, thì tỉ lệ đó cũng sẽ thấp theo. Càng lo, càng nên bớt tìm đọc quá nhiều thông tin về những chuyện hiếm gặp, hãy tìm cái gì đó thường làm mình vui, mình thích mà làm.
Bình luận (0)