Không may, thời gian ngưng tim, ngưng thở do bị ngạt quá lâu nên các bác sĩ (BS) đã không cứu được cháu bé.
“Ở giai đoạn 1-2 tuổi, các bé bò chưa vững, lại rất hiếu động, hay tìm đến những nơi có nước để chơi, đặc biệt là nơi nước cạn. Khi đó, bé dễ ngã vào trong vật dụng chứa nước và không thể thoát ra. Nếu không được người lớn phát hiện kịp thời, trẻ sẽ bị ngạt thở, rất dễ tử vong” - BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhấn mạnh. Không chỉ lu nước, các loại xô chứa nước lớn, hòn non bộ, bể cá cảnh, bồn chứa nước… trong khuôn viên nhà đã nhiều lần trở thành nguyên nhân khiến các cháu bé phải vào bệnh viện này cấp cứu.
Thực ra, theo các BS, để phòng ngừa tai nạn này không quá khó. Ví dụ, nên đổ đầy nước trong lu, để nếu có nghịch nước khi người lớn không có mặt, trẻ cũng không thể cúi đầu sát xuống mặt nước nên khó bị ngã chúi vào. Nhưng để thực sự an toàn, nếu nhà có trẻ nhỏ, hãy tìm phương án cách ly trẻ khỏi những nơi nguy hiểm kể trên, đậy kỹ vật dụng chứa nước, thậm chí tạm thời dẹp bỏ các hòn non bộ, bể cá… trong giai đoạn bé còn nhỏ, chưa biết nguy hiểm là gì.
Một điều nữa mà các bậc cha mẹ nên lưu ý là hãy tự trang bị cho mình kỹ năng sơ cấp cứu. Điều này cũng rất hữu ích. Với người ngạt nước, chúng ta có “thời gian vàng” khoảng 4 phút. Nếu nạn nhân được phát hiện và sơ cứu trong khoảng thời gian này, cơ hội sống và hạn chế di chứng khá cao. Từ 4-10 phút, hy vọng mong manh hơn; quá 10 phút thì hầu như không thể cứu được. Trong trường hợp vớt được trẻ ra khỏi nước mà không biết bé bị ngạt từ lúc nào, hãy cố gắng “còn nước còn tát” bằng cách ấn tim, thổi ngạt cho trẻ song song với việc gọi xe cấp cứu.
Phương án ấn tim, thổi ngạt theo quy chuẩn hiện hành là 30 lần ấn tim, 2 lần thổi ngạt. Động tác ấn tim phải đạt tốc độ 100 lần/phút. Tùy cỡ người của nạn nhân (sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ lớn hay người lớn), người sơ cứu có thể dùng lực của ngón cái, lực 1 bàn tay hay 2 bàn tay. Lưu ý, phải đặt nạn nhân trên một mặt phẳng cứng và nếu có dị vật cản trở đường thở thì tìm cách lấy ra trước khi thổi ngạt. Trong trường hợp không biết cách cấp cứu, hãy thông báo rõ tình hình của nạn nhân đến nhân viên tổng đài 115 - vốn là các nhân viên y tế - để được hướng dẫn sơ cứu trong khi chờ xe đến.
BS Đinh Tấn Phương khuyên rằng để bảo đảm an toàn, tốt nhất trẻ nhỏ dưới 2 tuổi phải luôn có người trông coi. Nếu bất đắc dĩ phải cho trẻ chơi một mình trong thời gian ngắn thì hãy để trong cũi hay không gian có rào chắn để ngăn bé tìm đến nơi chứa nước, kể cả những nơi có nguy cơ cao khác trong nhà (như ổ cắm điện, bình nước sôi, bếp điện, lửa…).
Bình luận (0)