Lo lắng con trẻ dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm lý, nhiều bậc cha mẹ đã rỉ tai nhau về các loại thuốc nội tiết “làm chậm lớn”. Thế nhưng, họ không biết rằng cách làm này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Nỗi lo chính đáng
Mấy tháng nay, chị Đinh Thanh Huyền ở quận Đống Đa, TP Hà Nội đứng ngồi không yên vì con gái mới học lớp 3 đã có kinh nguyệt. Từ đó, cứ mỗi lần con “đến tháng”, chị phải lo hết mọi thứ cho cô con gái còn quá nhỏ.
Chị Huyền cho biết gần 1 năm nay, thấy con phổng phao, có da có thịt, chị cứ nghĩ cô bé ăn uống đầy đủ nên lớn nhanh. Nào ngờ, vừa tròn 9 tuổi, cô bé đã có kinh nguyệt. “Từ khi biết con đã thành người lớn, tôi lại thêm một nỗi lo vì không phải lúc nào mình cũng có thể kiểm soát hết được con cái. Bây giờ xã hội phức tạp, sơ sẩy có chuyện gì thì khổ” - chị lo lắng.
Cùng tâm trạng về cô con gái gần 10 tuổi bất đắc dĩ trở thành “thiếu nữ”, chị Hoàng Vân - sống ở chung cư thuộc quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - lo ngại sự trưởng thành sớm khiến con mình mất cả tuổi thơ. Những ngày ấy, cô bé ngại ngùng, không muốn giao tiếp, chơi đùa với các bạn.
Thấy con bị “đánh cắp” tuổi thơ quá sớm, chị Vân lên mạng và thấy nhiều bà mẹ rỉ tai về loại hormone tiêm hằng tháng có thể khiến ngừng kinh nguyệt, rồi sau khoảng 2-3 năm ngưng thuốc, trẻ lại phát triển bình thường. “Tôi và một số phụ huynh đang tìm hiểu và cũng tính hỏi bác sĩ rồi mới cho con đi tiêm. Dậy thì sớm, con không chỉ bị “lùn” mà còn mất đi quãng thời gian sống hồn nhiên, thoải mái” - chị Vân băn khoăn.
TS-BS Bùi Phương Thảo, Phó Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết việc các phụ huynh lo lắng con dậy thì sớm là hoàn toàn chính đáng. Thực tế, dùng hormone ức chế dậy thì sớm là một cách để đối phó. Tuy nhiên, việc tiêm hormone này phải được sự chỉ định cũng như theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa chứ không thể tự tìm hiểu và mua thuốc về dùng.
Theo bác sĩ Thảo, hiện nay, tuổi dậy thì của trẻ bắt đầu sớm hơn so với trước đây. Đối với nữ, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu từ 8 tuổi, còn nam là 9 tuổi. Nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi này sẽ được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì sẽ được coi là muộn. Ngoài ra, vấn đề mà các bậc phụ huynh thường lo lắng nhất là sự phát triển vượt trội ở tuyến vú đối với các bé gái nên hốt hoảng cho đi khám.
Tiêm hormone kìm hãm?
Bác sĩ Thảo cho biết đối với trẻ dưới 6 tuổi đã dậy thì, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định tiêm hormone để ức chế. Còn những trường hợp 6-8 tuổi hoặc trên 8 tuổi, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định rõ ràng. Những trường hợp dưới 6 tuổi bị dậy thì sớm, khi tiêm hormone sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như sự phát triển của tuyến vú, lông mu... Điều này giúp trẻ tập trung vào việc học và tránh bị xâm hại tình dục.
“Về lâu dài, việc tiêm hormone sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình những điều được, mất khi tiêm hormone. Trong thực tế, việc tiêm hormone cho trẻ chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định, điển hình nhất là sự thay đổi nội tiết, thứ hai là trẻ phải chịu những cơn đau, tiếp đến là sẽ lão hóa sớm về sau, chưa kể vấn đề kinh phí điều trị” - bác sĩ Thảo nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ngày xưa, thông thường thì “nữ thập tam, nam thập lục” - tức nữ 13 tuổi, nam 16 tuổi mới bước vào tuổi dậy thì. Hiện nay, do nhiều yếu tố tác động nên khả năng có con và tuổi sinh sản kéo dài hơn so với trước kia. “Trẻ em dưới 8 tuổi mà có kinh nguyệt mới gọi là sớm, còn những em 9-10 tuổi trở lên là bình thường, không có gì đáng lo ngại” - PGS Dũng giải thích.
Theo giới chuyên môn, muốn biết con có dậy thì sớm hay không, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa ở các bệnh viện. Với những trường hợp nghi ngờ dậy thì sớm, bệnh nhi sẽ được chụp X-quang tuổi xương, xét nghiệm sàng lọc xem tuổi xương có gì bất thường hay không. Nếu có, trẻ sẽ được làm tiếp xét nghiệm máu xem hormone sinh dục cao đến mức nào. Trẻ dậy thì sớm hơn có thể do một số bệnh lý gây ra như nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp; ở một số bé gái có thể do gia tăng lượng estrogen đưa vào cơ thể qua thức ăn...
Trẻ dậy thì sớm dễ bị “lùn”
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, dậy thì sớm sẽ khiến các khớp xương của trẻ bị “khóa” sớm. Do đó, trẻ sẽ không cao lên được nữa. Ngoài ra, nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ do sợ hãi, lo lắng khi ngực hoặc dương vật to hơn bình thường khiến trẻ cảm thấy lạc lõng với bạn bè. Hơn nữa, trẻ dậy thì sớm còn dễ đối mặt nguy cơ bị lạm dụng và cũng khiến bố mẹ lo lắng… Tuy nhiên, cha mẹ không vì thế mà tự ý dùng thuốc bắt trẻ “ngừng lớn”. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ức chế hormone.
PGS Dũng cho biết chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng dùng thuốc ức chế dậy thì sẽ giúp trẻ tăng chiều cao. Ngược lại, nó có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ.
Bình luận (0)