Chưa bao giờ dịch sốt xuất huyết (SXH) ở TP Hà Nội lại căng thẳng như thời điểm này. Chính vì thế, sự vào cuộc của những tổ xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát phòng dịch SXH có vai trò quyết định trong việc vận động, thuyết phục người dân thay đổi hành vi, hợp tác cùng ngành y tế trong phòng chống SXH.
Vào từng ngõ, gõ từng nhà
Những ngày qua, người dân thủ đô dần quen với hình ảnh các thành viên tổ xung kích "vào từng ngõ, gõ từ nhà", cùng với người dân diệt mầm bệnh SXH.
Ông Trần Huy Đoạt, Tổ trưởng tổ dân phố kiêm tổ trưởng tổ xung kích tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên), cho biết công việc hằng ngày của các thành viên tổ xung kích là đến tận nhà người dân trên địa bàn phụ trách để chỉ nơi mầm bệnh SXH có thể trú ẩn, giải thích đường lây truyền và cách phòng bệnh. Qua những buổi kiểm tra tại các hộ gia đình ở quận Long Biên, các đội xung kích phát hiện nhiều vật dụng quen thuộc là ổ chứa bọ gậy như: dụng cụ chứa nước, hòn non bộ, vỏ hộp, lon bia đọng nước mưa... Từ đó, thành viên đội xung kích hỗ trợ các gia đình lật úp các dụng cụ chứa nước, hướng dẫn họ thả cá vào hòn non bộ, chậu cây cảnh để diệt bọ gậy. "Với những hộ luôn có người ở nhà thì thời gian tiếp cận khá thuận lợi, còn những gia đình công nhân viên chức làm việc theo giờ hành chính thì đội xung kích phải "canh" giờ để đến.
Tổ xung kích diệt bọ gậy ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội hướng dẫn người dân dẹp bỏ nơi sản sinh mầm bệnh SXH.Ảnh: Hải Anh
"Dĩ nhiên, tuyên truyền không vẫn chưa đủ, chúng tôi phải xắn tay vào việc, vừa làm vừa hướng dẫn cho người dân cách loại bỏ mầm bệnh" - ông Đoạt nói. Chưa đầy 1 tuần đi vào hoạt động nhưng 3 tổ xung kích diệt bọ gậy với 12 thành viên được huy động từ lực lượng hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… của tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng) đã "gõ cửa" được gần 500 hộ gia đình. Nhiệm vụ của đội xung kích là đến từng gia đình, ngõ xóm với tần suất kiểm tra, diệt bọ gậy 1 tuần/lần, bảo đảm tiếp cận 100% hộ gia đình, các cơ quan xí nghiệp, trường học, khu công nghiệp…
Bà Bùi Thị Hạnh Loan, 75 tuổi, thành viên tổ xung kích, tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Phương Liệt (quận Đống Đa) có lẽ là thành viên lớn tuổi nhất trong các đội xung kích. Công việc quan trọng nhất của bà là hằng ngày đến từng nhà, nhắc nhở, tuyên truyền biện pháp phòng bệnh, chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng muỗi vằn đốt. "Để thay đổi nhận thức và hành động của người dân không thể ngày một ngày hai mà buộc phải lâu dài. Với con số hàng chục ngàn ca mắc, nhiều người tử vong, nhìn đâu cũng thấy người bệnh SXH nên người dẫn cũng "thấm" dần, từ đó tự nguyện hợp tác phòng bệnh" - bà Loan chia sẻ.
Toàn hệ thống vào cuộc
Cuối tuần qua, sau khi đi kiểm tra phòng chống SXH ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao sự vào cuộc sáng tạo, quyết liệt của các quận, huyện với việc xây dựng các tổ xung kích tập trung tuyên truyền ở các địa bàn dân cư, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và hạn chế phần nào dịch bệnh. Bí thư Hoàng Trung Hải lưu ý hiện nay, nhận thức của người dân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi vẫn còn trường hợp chủ quan, chống đối các biện pháp phòng dịch. Ông cũng cho rằng dịch SXH năm nay đến sớm nên rất có thể dịch SXH ở Hà Nội vẫn chưa lên tới đỉnh. Do vậy, cần phải tập trung quyết liệt hơn, vận động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, các đội xung kích phải hoạt động thường xuyên, sâu rộng.
Với chủ trương tất cả quận, huyện đều phải thành lập đội xung kích diệt bọ gậy, mỗi đội từ 2-3 người, gồm thành viên của các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, dân phòng…, hiện Hà Nội đã thành lập gần 2.000 đội xung kích và 150 tổ giám sát dịch. Mỗi đội phụ trách 30-50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu công cộng (vườn hoa, bãi đất trống, nghĩa trang…). Nhiệm vụ của các đội là kiểm tra, hướng dẫn, cùng các hộ gia đình, cơ quan… xử lý triệt để những dụng cụ chứa nước, đồ vật có khả năng là ổ bọ gậy; tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân; tham gia giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc SXH tại cộng đồng. Đến thời điểm này, đã có gần 90.000 hộ gia đình được kiểm tra bọ gậy, loại trừ được hơn 8.000 ổ dịch.
Cưỡng chế nhà hoang để dập dịch SXH
Sáng 12-8, toàn TP Hà Nội đã ra quân xử lý dịch SXH đợt 1. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại quận Hà Đông, đặc biệt là phường Quang Trung - đang là điểm nóng SXH. Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận còn nhiều nhà bỏ hoang, không người ở - những nơi được cho là chỗ trú ngụ của bọ gậy, muỗi trưởng thành nhưng các đội xung kích, lực lượng y tế lại không thể tiếp cận và phun thuốc.
Trước thực trạng này, lãnh đạo UBND quận Hà Đông đề xuất cho cưỡng chế những căn nhà bỏ hoang để lực lượng y tế phun thuốc diệt muỗi, dỡ bỏ những thiết bị chứa nước mưa lâu ngày, không để bọ gậy có nơi sinh sống và phát triển.
Bình luận (0)