Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết sau hơn 1 ngày nhận tạng hiến từ người cho chết não là một nam thanh niên ngoài 20 tuổi bị tai nạn, đến chiều 15-6, sức khỏe của cả 4 người được nhận tạng (bệnh nhân ghép tim, ghép gan và 2 bệnh nhân ghép thận) đều tiến triển tốt.
Cân não
Điều đặc biệt trong ca ghép này là trái tim của người hiến chết não đã phải đi một quãng đường vòng từ Hà Nội tới Đà Nẵng bằng máy bay, sau đó đi đường bộ ra Bệnh viện (BV) Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) để ghép cho một thiếu niên 15 tuổi đang nguy kịch.
Bệnh nhân P.V.C được theo dõi đặc biệt sau ca ghép tim Ảnh: QUANG NHẬT
Sau 2 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi này - em P.V.C đã tốt dần lên, tỉnh táo và có thể nói chuyện được. C. là bệnh nhi ghép tạng "xuyên Việt" thứ 5 được nhận tạng với sự điều phối sau khi khớp nối các thông tin trên Danh sách chờ ghép quốc gia.
Theo ông Phúc, ca phẫu thuật nhận tạng hiến diễn ra lúc 16 giờ ngày 13-6 nhưng phải đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, trái tim mới đến được Huế. "Các bác sĩ BV Trung ương Huế đã chuẩn bị một chiếc xe cấp cứu đặc biệt với đầy đủ trang thiết bị đợi sẵn ở sân bay Đà Nẵng chờ đón trái tim. Để kịp thời gian, các bác sĩ xác định sẽ phải thực hiện các thao tác ban đầu liên quan đến kíp ghép ngay trên xe" - ông Phúc kể.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, đây là một ca ghép xuyên Việt khá đặc biệt. Bình thường, để ghép tạng, mẫu máu của người nhận sẽ được chuyển tới BV nơi có bệnh nhân hiến tạng để kiểm tra chéo xem có phù hợp hay không. Tuy nhiên, đối với ca ghép này, do thời gian quá gấp, lịch bay không phù hợp nên kíp bác sĩ từ BV Trung ương Huế không đủ thời gian mang máu của bệnh nhân ra Hà Nội đọ chéo và lấy tạng.
Các bác sĩ buộc phải lấy mẫu máu của người hiến gửi qua đường hàng không vào Huế để xét nghiệm. "Tình huống này cũng cực kỳ cân não, bởi nếu như xét nghiệm chéo mà có chỉ số kháng máu thì coi như quả tim hiến buộc phải bỏ đi vì thời gian sống của tim hiến chỉ 6 giờ, không thể kịp để vận chuyển ghép cho người khác. May mắn là chỉ sau 15 phút khi quả tim về đến BV cũng là lúc kết quả xét nghiệm máu khẳng định chỉ số hòa hợp. Bệnh nhân đủ điều kiện nhận tạng" - bà Nguyễn Phượng Hoàng, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết.
Cộng đồng thấu hiểu, nhiều người được sống
Theo GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế, trong ca ghép tim này, mọi tính toán buộc phải chính xác và thỏa mãn 3 điều kiện: Quãng đường vận chuyển tim dài hơn, quỹ thời gian rất ngắn để chuẩn bị cho 1 ca ghép tim và nhất là phải bảo đảm thời gian thiếu máu tim trong giới hạn cho phép.
"Sau khi quả tim vận chuyển đến Huế, kíp mổ do ThS - BS Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, thực hiện" - GS-TS Hiệp thông tin.
Lúc 2 giờ 30 phút ngày 14-6, quả tim của người hiến tại Hà Nội với nhịp đập đều đặn đã bảo đảm huyết động trong lồng ngực của bệnh nhân C. và ca mổ kết thúc tốt đẹp lúc 6 giờ cùng ngày. Hiện bệnh nhân C. đã hồi tỉnh, chức năng tim ghép rất tốt. Tuy nhiên, do tiền sử bệnh lý nên sau ghép, bệnh nhân này vẫn tiếp tục được chăm sóc đặc biệt.
"Thành công của ca phẫu thuật này là minh chứng cho quy trình ghép tạng mô hình đa trung tâm mà chúng ta đang thực hiện là phù hợp với thực tiễn. Khó khăn hiện nay là nguồn tạng từ người cho chết não thường ít được sự đồng ý của người nhà. Vấn đề này cần được tuyên truyền, được dư luận ủng hộ để ngày càng nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép tạng" - GS-TS Hiệp bày tỏ.
Bình luận (0)