xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ghép tế bào gốc: Kéo dài sự sống

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nếu các phương pháp hóa trị, xạ trị... đẩy lui bệnh đa u xương tủy từ 65%-70% sau 5 năm thì phương pháp ghép tế bào gốc ngoại vi nâng tỉ lệ này lên 80%-90%

Cách đây 3 năm, khi đang khỏe mạnh và là trụ cột gia đình, anh Phan Xuân Hoàng (36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) bất ngờ ngã bệnh. Căn bệnh của anh không có gì nghiêm trọng, chỉ biểu hiện qua tình trạng đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, dù anh đi khám rất nhiều bệnh viện (BV) nhưng vẫn không tìm ra căn nguyên.

Quá ít bệnh nhân được điều trị

Tình trạng uể oải, đau nhức xương ngày càng nặng khiến anh Hoàng gần như không thể đi lại được; chỉ nằm, ngồi một chỗ. Nhiều người thấy vậy tưởng anh giả bệnh vì họ không tin một người đàn ông trẻ, vóc dáng vạm vỡ như thế mà mắc bệnh, đặc biệt họ đặt nghi vấn vì sao nhiều BV lại không tìm ra nguyên nhân. Quyết không bỏ cuộc, anh gắng gượng đến BV Chợ Rẫy thăm khám. Tại đây, qua một loạt xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện anh bị đa u tủy xương.

Tháng 6-2013, anh được BV Chợ Rẫy thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc (TBG) tự thân từ máu được bảo quản đông lạnh để trị đa u tủy xương. Cách ly với thế giới bên ngoài gần một tháng sau ngày ghép, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục, không còn đau nhức như xưa. “Đến nay đã 3 năm, tôi thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh, lao động bình thường, đặc biệt còn có thể chơi bóng đá tùy thích. Xin tri ân những người giúp tôi trở về cuộc sống bình thường sau chuỗi ngày dài mang căn bệnh ác tính tưởng như bế tắc” - anh Hoàng tâm sự.

Ông Lê Văn Anh (58 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) là một trường hợp khác. Đang công tác trong ngành truyền hình, ông buộc phải tạm gác công việc do bị đau nhức xương sườn không rõ nguyên nhân, đi nhiều nơi cũng không định bệnh được. Cuối năm 2014, ông đến khám tại BV Chợ Rẫy mới phát hiện trên đầu xương sườn có u nhỏ, các bác sĩ kết luận bị đa u tủy sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu. Sau nhiều lần chiếc tách TBG máu ngoại vi, dự kiến ông sẽ được ghép trong tháng 7 này.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết trường hợp anh Hoàng là ca ghép TBG từ máu tự thân đầu tiên do BV thực hiện. Đến nay, sau 2 năm triển khai, BV đã thực hiện thành công 16 trường hợp (14 ca đa u tủy, 2 ca Lymphoma). Tại Việt Nam, hiện đã có khoảng 100 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp ghép TBG, được cho là quá ít so với nhu cầu của người bệnh bởi tính riêng BV Chợ Rẫy, mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 ca đa u tủy và 200 ca ung thư hạch.

 

Người bệnh đặt những câu hỏi liên quan đến ghép tế bào gốc để được bác sĩ tư vấn
Người bệnh đặt những câu hỏi liên quan đến ghép tế bào gốc để được bác sĩ tư vấn

 

Tuân thủ nguyên tắc vô trùng

Theo các chuyên gia, ghép TBG đang được áp dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau trên thế giới. Phương pháp này đang mở ra triển vọng mới đẩy lùi các bệnh ác tính. Hầu hết bệnh nhân đa u tủy đã được điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích… nhưng tỉ lệ lui bệnh hoàn toàn chỉ đạt 60% - 70% sau 5 năm. Với phương pháp ghép TBG ngoại vi, tỉ lệ lui bệnh hoàn toàn ở bệnh nhân trong cùng thời gian lên đến 80%-90%.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học BV Chợ Rẫy, cho biết qua theo dõi, đến nay tất cả 16 trường hợp được ghép TBG tự thân hoàn toàn khỏe mạnh, không có ca nào tái phát. Có thể nói, họ đã thoát khỏi bệnh tật, quay lại cuộc sống thường ngày.

Theo bác sĩ Tùng, có 2 phương pháp ghép TBG tự thân, đó là dạng tươi hoặc dạng được cấp đông. Trong trường hợp ghép TBG tươi, sau khi được chiết tách sẽ truyền trở lại cho người bệnh trong vài ngày. Còn để ghép TBG cấp đông, tế bào sẽ được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, sau đó bảo quản đông lạnh rồi cũng truyền trở lại cơ thể bệnh nhân theo quy trình điều trị. Phương pháp này không gây đau đớn cho người bệnh.

Các chuyên gia cũng cho biết để ghép TBG, ngoài thái độ hợp tác từ phía người bệnh cần sự cẩn trọng tuyệt đối trong y khoa, đặc biệt là vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Cử nhân Nguyễn Thị Bé Út, Điều dưỡng trưởng Đơn vị Ghép TBG BV Chợ Rẫy, cho biết nguy hiểm nhất là nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh. Vì vậy, yêu cầu cao nhất là tuân thủ nguyên tắc vô trùng một cách tuyệt đối. Người bệnh được cách ly với thế giới bên ngoài và người điều dưỡng thì gần như “sống chung với người bệnh”. Do không được người thân chăm sóc, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái tâm lý buồn chán tiêu cực, vì vậy người điều dưỡng cần thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, đồng thời biết cách trấn an để giúp họ vượt qua bệnh tật. Trong 6 tháng đầu khi bệnh nhân xuất viện, việc ngăn ngừa nhiễm trùng cũng rất quan trọng, người bệnh phải giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, trong năm nay sẽ triển khai thêm 6 phòng ghép TBG để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của người bệnh. “Ngoài việc tiếp tục ghép TBG điều trị cho 2 nhóm bệnh đa u tủy và ung thư hạch, tới đây, BV sẽ triển khai ghép TBG cho những nhóm bệnh lý huyết học ác tính khác, hy vọng cứu thêm nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo” - bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

 

Theo bác sĩ Trần Thanh Tùng, biểu hiện ở bệnh nhân u hạch là 60% nổi hạch bên ngoài, 40% nổi hạch trong nội tạng; còn triệu chứng của bệnh đa u tủy là đau xương, thiếu máu.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo