Chiều 17-10, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện E Trung ương các bác sĩ tại đây vừa tiến hành phẫu thuật cắt bỏ da thừa, mỡ bụng cho người phụ nữ béo phì có cân nặng 105 kg.
Bệnh nhân là nữ P.H.A. (32 tuổi), lúc còn thanh niên nặng 49 cân cao 1m 60. Tuy nhiên, sau sinh 2 con (các con 11 và 10 tuổi) cân nặng tăng vọt. Lần sinh đầu tiên bệnh nhân tăng 32 kg, lần sinh thứ 2 bệnh nhân cân nặng 85 kg, sau đó tiếp tục tăng cân tới 115 kg.
Bệnh nhân đã tham khảo giảm cân bằng nhiều cách nhưng đều thất bại do bị hạ đường huyết. Chị A. cũng tham khảo các phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày hay đặt đai nhưng không đồng ý phẫu thuật. Ngoài ra khi tăng cân bệnh nhân bị đái tháo đường, các vùng mỡ da thừa ở bụng dưới hay vùng nách khiến bệnh nhân cản trở vận động và bị hăm.
Phẫu thuật cắt hơn 3 kg da mỡ vùng bụng, hút mỡ cho bệnh nhân có cân nặng hơn 100 kg - Ảnh: Quốc Minh
Chị A. chia sẻ với thân hình quá khổ, trong cuộc sống hàng ngày chị rất mặc cảm tự ti. Nhiều lần chị ngậm ngùi từ chối đi dự các sự kiện cùng với chồng vì mặc cảm, thiếu tự tin.
Bác sĩ Minh cho biết trước đó bệnh nhân đã được bác sĩ dinh dưỡng hướng dẫn chế độ giảm cân và chị A. đã giảm được 10 kg trong vòng 5 tháng. Tuy nhiên, với cân nặng 105 cân, bệnh nhân vẫn khó khăn trong việc vận động và sinh hoạt hàng ngày nên mong muốn được phẫu thuật cắt bớt da thừa và hút bớt mỡ thừa tối đa có thể để đi lại dễ dàng hơn.
Theo bác sĩ Minh, với những mong muốn chính đáng của bệnh nhân, các bác sĩ đã quyết tâm đưa ra phương án điều trị thích hợp và an toàn nhất, với mong muốn sớm giúp cho bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường. Kết quả khám trước phẫu thuật cho thấy bệnh nhân bị béo phì độ 3 (độ cao nhất) chỉ số BMI 41 (nặng 105 kg-cao 1m60), thừa rất nhiều da vùng bụng dưới và hai bên nách làm ảnh hưởng vận động tay và vận động chân. Bệnh nhân khi ngồi rất khó khăn do thành bụng dày mỡ và da thừa nhiều. Bệnh nhân phải điều trị đái tháo đường bằng Insulin 26 UI mỗi ngày.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 5 tiếng. Các bác sĩ cho biết khó khăn của ca mổ là thể trạng bệnh nhân quá béo, lượng mỡ nhiều, kèm theo đái tháo đường đang được điều trị Insulin… Vì vậy, việc hồi sức sau mổ sẽ rất khó khăn, nguy cơ có thể chậm liền vết mổ do đường huyết tăng cao. May mắn bệnh nhân đã hồi phục tốt.
Bệnh nhân hồi phục tốt sau ca phẫu thuật
Đến nay, ca phẫu thuật bước đầu thành công, bệnh nhân cắt bỏ được mảng da mỡ vùng bụng khoảng 3,2 kg là nguyên nhân gây khó khăn cho bệnh nhân trong quá trình sinh hoạt. Các bác sĩ cũng hút thêm khoảng 2 lít mỡ để giảm bớt phần nào khối lượng mỡ thành bụng và ở các vùng gây cọ xát như nách.
Hiện, bệnh nhân ổn định, các chỉ số sinh tồn mạch huyết áp bình thường, đường huyết duy trì 6-7 mmol/l. Dự kiến, bệnh nhân có thể kiến xuất viện trong một vài ngày tới.
Bác sĩ Minh cũng cảnh báo, dù được phẫu thuật nhưng bệnh nhân này vẫn có khả năng tăng cân trở lại nếu không có chế độ ăn uống và tập luyện tích cực sau phẫu thuật. "Bệnh nhân bị bệnh béo phì có rất nhiều nguy cơ bệnh tật kèm theo, cách tốt nhất là thực hiện giảm cân một cách khoa học sao cho năng lượng vào cơ thể không nhiều hơn năng lượng được tiêu thụ. Trong đó, có việc thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, chế độ tập luyện với các bài tập tiêu thụ năng lượng như đi bộ, bơi lội, gym..."- bác sĩ Minh khuyến cáo.
Bình luận (0)