Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết đơn vị này đã có báo cáo nhanh về kết quả điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm do pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới. Theo đó, sau sự việc sản phẩm pate Minh Chay được phát hiện có vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ngộ độc, UBND 30 quận, huyện, thị xã ở TP Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra các địa điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm chay, siêu thị, chuỗi nhà hàng chay…
Qua kiểm tra 93/126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay, các quận, huyện, thị xã đã xử lý vi phạm 14 cơ sở với số tiền 55 triệu đồng. Vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo quản chưa bảo đảm theo quy định…
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 4-9, Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới cung cấp thêm danh sách 88 khách hàng ở Hà Nội mua sản phẩm pate Minh Chay. Đến nay, đã có 1.275 khách hàng mua sản phẩm của công ty (từ ngày 1-7 đến 28-8), trong đó, nhà chức trách chưa liên hệ được với 142 khách hàng.
Sản phẩm pate Minh Chay vừa bị thu hồi do nhiễm độc - Ảnh: website nhà sản xuất
Những khách hàng mà cơ quan chức năng liên hệ được đã mua 1.220 lọ pate Minh Chay, trong đó đã sử dụng (hoặc bỏ đi) 1.030 lọ, còn lại 190 lọ đang thu hồi. Ngoài ra, các khách hàng cũng đã mua 235 lọ ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt… và đã sử dụng 157 sản phẩm.
Báo cáo của Sở Y tế cũng cho biết trong số 24 khách hàng gọi điện khai báo sau khi ăn pate Minh Chay từ 1 đến 3 ngày có biểu hiện một số triệu chứng (như: Đau đầu, mệt mỏi chân tay, đau bụng, chóng mặt, tê bì chân, tay), có 7 khách hàng đã đi khám tại bệnh viện. Hiện tại, những trường hợp này sức khỏe vẫn bình thường.
Một bệnh nhân mang sản phẩm pate Minh Chay khi đến bệnh viện khám
Về sức khỏe 2 vợ chồng ở Hà Nội (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi) đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngộ độc thực phẩm sau khi ăn pate Minh Chay, Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện người chồng vẫn phải thở máy, đã vận động nhẹ bàn tay, bàn chân. Còn người vợ hiện mắt đã nhìn rõ, mí đỡ sụp, vận động đang có tiến triển.
Trước đó, chiều 4-9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời báo chí về vụ ngộ độc thực phẩm Pate Minh Chay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ về vụ việc sang Bộ Công an và Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ vụ việc.
Sau khi Cục An toàn thực phẩm công bố kết quả kiểm nghiệm phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum tuýp B có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong trong pate Minh Chay, những ngày qua đã có thêm nhiều địa phương ghi nhận bệnh nhân tới khám và điều trị sau khi ăn pate Minh Chay.
Đề nghị xem xét cho nhập thuốc antitoxin Botulinum dự phòng
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa báo cáo Bộ Y tế về chùm ca bệnh nghi ngờ ngộ độc Botulinum. Báo cáo cho biết bệnh viện đã tiếp nhận thêm 6 bệnh nhân chuyển từ các bệnh viện tỉnh (gồm 2 bệnh nhân từ Khánh Hòa, 2 bệnh nhân từ Đồng Nai và 2 bệnh nhân từ Bà Rịa Vũng tàu).
Cả 6 bệnh nhân khi vào viện đều có một số đặc tính lâm sàng giống nhau như nôn ói, đau thượng vị, khó thở, suy hô hấp, sụp mi, yếu chi, không sốt, không rối loạn tri giác… Các triệu chứng này xuất hiện sau khi họ ăn pate chay hiệu Pate Minh Chay từ 1 đến 2 ngày.
Trước thực tế trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm cần sớm xác định nguyên nhân và xem xét cho nhập thuốc antitoxin Botulinum dự phòng, phục vụ cho công tác điều trị. Hiện nay thuốc này không có trên thị trường trong nước và do thuốc chỉ có hiệu quả đối với bệnh nhân bị ngộ độc trong vòng 1 tuần nên cần phải nhập trước để dự phòng trong trường hợp xuất hiện các bệnh nhân mới.
Bình luận (0)