Cả hai được điều trị trong điều kiện vô trùng tuyệt đối, theo dõi chặt chẽ theo quy trình ghép gan.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay hiện các chỉ số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp thở) của cả hai đều ổn định. Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan, tiết mật, miễn dịch chống thải ghép, siêu âm mạch máu đều trong dự kiến, diễn tiến thuận lợi.
Được biết, sau khi về nước, đoàn bác sĩ, chuyên gia Hàn Quốc đã để lại một bác sĩ và hai điều dưỡng để cùng với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục theo dõi, điều trị cho ca ghép gan này.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Cường, Trưởng Khoa Ngoại gan - mật - tuỵ Bệnh viện Chợ Rẫy, người con đã cho đi 2/3 thể tích gan của mình (630 gram) để ghép cho mẹ. Khoảng 6-8 tuần sau gan mới của người hiến sẽ được tái sinh (khoảng 60%-80% thể tích gan) và có thể xuất viện sau 2 tuần điều trị.
Riêng người mẹ - người nhận gan, ít nhất sau 1 tháng cách ly theo dõi, điều trị phản ứng thải ghép nghiêm ngặt mới có thể cho về nhà. Cũng theo PGS-TS-BS Cường, khác với việc ghép nội tạng khác (như thận, tim) phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời, ở người ghép gan sau một thời gian sẽ không phải sử dụng các loại thuốc này.
Bình luận (0)