NICU (hồi sức tích cực sơ sinh) được xem như nơi “đầu sóng ngọn gió”, tập trung các bệnh nhi sơ sinh nặng nhất của toàn viện. Tại các đơn vị NICU của TP HCM, hầu hết bệnh nhi là những em bé sinh non, gặp biến chứng khi ra đời (ngạt, xuất huyết, đa dị tật, sang chấn…) phải duy trì mạng sống bằng thiết bị hỗ trợ ô xy, hỗ trợ tiêu hóa...
“Làm việc không thể như cái máy”
Ngày cuối cùng trước khi bé Nguyễn Quốc Huy - cháu bé “văng khỏi bụng mẹ” trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở tỉnh An Giang vào tháng 10-2014 làm mẹ cháu chết tại chỗ, bố bị gãy chân - xuất viện, cậu bé bỗng nhiên bật khóc. Khóc không nước mắt với… một cái liếc ngang theo bóng cô bảo mẫu vừa đi qua rồi ngừng ngay khi cô quay lại bế. Lúc đó, chúng tôi mới vỡ lẽ cậu bé đã quen hơi ấm và tình thương của các bác sĩ (BS), điều dưỡng, bảo mẫu của Khoa Hồi sức sơ sinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Cũng tại đây, chúng tôi không ít lần bắt gặp điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ Huyền vừa làm những thao tác y tế vừa trò chuyện cùng các bệnh nhi ở độ tuổi mà nhiều người cho rằng chưa biết gì. Qua nhiều năm làm việc, chị vẫn thường vỗ về các bé: “Con nằm yên để cô chích một chút nhé, để con khỏe mà cô cũng khỏe nhé!”. Thế là bệnh nhi ngừng quấy khóc, ngoan ngoãn để chị tiêm dễ dàng. Trong khoa cũng có nhiều cháu bị bỏ rơi, thương các cháu, chị thường ghé thăm và trò chuyện, nếu rảnh tay thì tranh thủ bế một chút.
Các bệnh nhi được chăm sóc trong đơn vị hồi sức tích cực sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1
Còn đối với điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh Đặng Lê Ánh Châu: “Làm việc không thể như một cái máy”. Bí quyết để giữ được sự trẻ trung, hóm hỉnh sau gần 20 năm trong nghề của chị chính là luôn trò chuyện, cười với các bé và quan tâm đến cuộc sống gia đình các cháu.
Đến giờ, chị vẫn nhớ cậu bé rất đáng yêu là con của 2 công nhân trẻ, lỡ có do “vỡ kế hoạch”. Cháu bé bị suy hô hấp sau sinh, phải thở máy, cha mẹ từ đó cũng bặt tăm… May là 1 tháng sau, cháu khỏe lại và sau khi bệnh viện cố thuyết phục qua rất nhiều cuộc điện thoại, người cha cũng lên đón con. Thấy con, anh công nhân bật khóc, trần tình là thương con lắm nhưng không có tiền. Thế là các BS, điều dưỡng giúp làm các thủ tục bảo hiểm để thanh toán toàn bộ chi phí điều trị cho cháu.
“Thấy các cháu đoàn tụ với gia đình, chúng tôi mừng lắm! Tội nhất là những cháu mãi không ai đón, chúng tôi phải đưa đến các tổ chức xã hội. Các cháu hình như cũng quyến luyến mà chúng tôi cũng không nỡ xa các cháu” - điều dưỡng Đặng Lê Ánh Châu, bộc bạch.
Áp lực vô hình
Tiếp nhận mỗi bệnh nhi vào NICU, các thầy thuốc cũng nhận lấy sự trông đợi rất lớn từ gia đình các cháu. Mà chăm sóc bệnh nhi sơ sinh nào có đơn giản. BS trẻ Nguyễn Thị Thanh Hương (Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ) kể khi mới vào thực tập, chị thậm chí không dám bế các bệnh nhi vì nhiều cháu còn bé nhỏ, mong manh hơn các bé sơ sinh bình thường rất nhiều.
Niềm vui luôn đan xen với vô vàn áp lực mà các nhân viên NICU phải đối mặt mỗi ngày khi vừa chăm sóc một đàn con nhỏ cùng lúc vừa không được phụ lòng trông mong của gia đình các bé và cả những chênh vênh giữa ranh giới sống - chết mong manh… “Tôi từng rất căng thẳng nhưng cứ qua mỗi năm, tháng, được tiếp xúc, được chỉ dạy và tiếp tục học để vững nghề hơn, những căng thẳng cũng vơi dần” - BS Hương chia sẻ.
Áp lực nâng cao kỹ thuật điều trị cũng luôn khiến các BS trăn trở. Tại BV Nhi Đồng 1, điều dưỡng Đặng Lê Ánh Châu tâm sự chị và các đồng nghiệp mong mỏi một số kỹ thuật cao tại đây sẽ được bảo hiểm chi trả bởi nhiều gia đình bệnh nhi quá nghèo. Nhiều trường hợp, BV đã dùng quỹ để hỗ trợ bệnh nhân nhưng đó không phải giải pháp lâu dài.
Còn tại BV Từ Dũ, BS Nguyễn Thị Từ Anh (Trưởng Khoa Sơ sinh) cho biết chị và các đồng nghiệp đã nhiều lần đề xuất liên quan đến kỹ thuật mới. Bởi hơn ai hết chị đã trực tiếp gặp một ca sinh mổ khi còn rất trẻ, trong lúc đi công tác tại Bình Phước. Em bé ra đời bị ngạt, không thở được. Vừa xử lý, chị vừa hỏi to “ô xy đâu?” để thực hiện theo các bước hồi sức thông thường ở BV. Nhưng câu trả lời “không có ô xy đâu” của nhân viên y tế địa phương khiến chị rụng rời. Thế là chỉ biết cố gắng bằng cách bóp bóng và sử dụng những phương tiện thô sơ có sẵn. Rất may cháu bé được cứu sống và cũng cứu luôn cả vị BS lúc ấy còn rất trẻ, dễ bị cú sốc từ những tai nạn nghề nghiệp đầu tiên.
“Có lần, người nhà của một bệnh nhi đã hỏi tôi làm bấy nhiêu năm, chắc đã quen với việc một số em bé quá yếu rồi cũng từ giã mình đi cho dù có cố gắng đến đâu. Nhưng tôi trả lời ngay rằng mình không quen, không bao giờ quen được cảnh chứng kiến những bé sơ sinh mất đi. Ngày mới vào nghề, có khi nhiều đêm liền gặp ác mộng, thấy trẻ con chết. Bây giờ đã 17 năm qua đi, không đến nỗi còn ác mộng nhưng đó vẫn là áp lực lớn nhất trong nghề, dù biết rằng chuyện ấy không thể tránh khỏi” - BS Anh ngậm ngùi.
Nụ cười ngày trở lại
Vài năm trước, có lần, Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ đón một vị khách đặc biệt, chuẩn bị sang định cư ở Mỹ nên đến khoa để chào các BS. Ông dắt theo một bé trai vài tuổi khỏe mạnh, xinh xắn. Ông kể rằng ngày xưa, bé sinh ra ở tuần thai thứ 25, nặng chỉ có 600 g, nằm suốt 2 tháng tại đây. 600 g và tuần thai thứ 25 thì quả là một ca đầy khó khăn. Vậy nên nhìn bệnh nhi đã lớn đến chừng ấy, khỏe mạnh vậy, dù không thể nhớ nổi mình có trực tiếp chăm bé không vì mỗi ngày trong khoa có đến vài trăm bệnh nhi nhưng các nhân viên y tế ở đây ai cũng thấy hạnh phúc. Đó chính là món quà vô giá mà họ mong nhận được mỗi ngày.
Bình luận (0)