Chiều 14-3, Bệnh viện Gia An 115 TP HCM cho hay vừa điều trị thành công cho người phụ nữ hàng chục năm mất ngủ do trượt đốt sống cổ mà không biết. Bệnh nhân là bà T.N.M (57 tuổi, ngụ Lâm đồng), nhập viện trong tình trạng sức khỏe sa sút nghiêm trọng, sụt 10 kg, trí nhớ lú lẫn.
Bệnh nhân được chữa trị thành công sao cả thập kỷ mất ngủ, sức khỏe sa sút nghiêm trọng
Bà M. mỗi đêm chỉ ngủ được 2-3 tiếng, cứ nằm chong chong đợi trời sáng, đi rất nhiều bệnh viện từ Nam ra Bắc, phòng khám, uống đủ thứ thuốc Đông – Tây y nhưng không giải quyết được nguyên nhân, cuộc sống đảo lộn khiến bà phải nghỉ việc.
Tại Bệnh viện Gia An 115, qua thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, với kinh nghiệm, BS-CK1 Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, nhận định tình trạng mất ngủ của bà T.N.M nhiều khả năng không phải tại não hay do trầm cảm vì bệnh nhân có thói quen lắc đầu liên tục, lại có xuất hiện triệu chứng đau mỏi cổ.
Sau khi chỉ định thực hiện các cận lâm sàng và chụp cộng hưởng từ (MRI), kết quả cho thấy bệnh nhân bị trượt khớp cột sống cổ (C5) do thoái hóa cột sống. BS. Tuấn giải thích, khi thường xuyên lắc đầu thời gian dài, hai mỏm xương bị mài mòn, lâu ngày gây thoái hóa khớp và dẫn đến tình trạng trượt khớp cột sống cổ (C5). Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh rối loạn giấc ngủ của bệnh nhân. Triệu chứng đau mỏi cổ khả năng cao là do trượt khớp cột sống chứ không phải đơn thuần do mất ngủ như bệnh nhân lầm tưởng.
Ngay sau đó, bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị rối loạn giấc ngủ không dùng thuốc mà bằng máy từ trường, kết hợp kéo giãn cột sống bằng tay và bằng máy. Ngay sau 3 ngày điều trị đầu tiên, bà M. đã ngủ được giấc ngủ dài 3 - 4 tiếng. Kết thúc liệu trình điều trị 20 ngày, bệnh nhân đã có thể ngủ ngon, mỗi đêm 5-6 tiếng, trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường, kết thúc hành trình hàng chục năm đi tìm giấc ngủ.
"Việc điều trị bằng máy từ trường với cường độ phù hợp sẽ giúp làm dịu các xung kích thích thần kinh, tạo thuận lợi cho người bệnh đi vào giấc ngủ nhanh hơn, có chất lượng giấc ngủ tốt hơn mà không lệ thuộc vào thuốc. Bằng phương pháp này, bệnh nhân không đau, không bị xâm lấn, đặc biệt là không dùng thuốc hay lệ thuộc vào thuốc. Việc lệ thuộc thuốc an thần là vấn đề nan giải khiến tình trạng rối loạn giấc ngủ càng tiến triển và khó khăn trong vấn đề điều trị", BS Tuấn giải thích.
Bình luận (0)