Thời gian qua, thông qua đường dây nóng, những vấn đề khiến người bệnh mất lòng tin vào ngành y đã được Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh - thành ghi nhận, xử lý. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, ngành y cần tích cực thay đổi hơn nữa để làm hài lòng người bệnh, tập trung xây dựng văn hóa sức khỏe, an toàn người bệnh (ATNB).
An toàn người bệnh: Ưu tiên 1
Lâu nay, những bức xúc của người bệnh đối với cơ sở y tế tập trung ở các vấn đề như: chờ đợi, thủ tục hành chính, tai biến trong điều trị, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế… Riêng tại TP HCM, kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy mức độ hài lòng của bệnh nhân ở các cơ sở y tế công lập trên địa bàn từ 62% đến 87%.
Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng trong cấu trúc văn hóa bệnh viện (BV) là ATNB. ATNB là sự bảo đảm cho người bệnh được an toàn trong quá trình chăm sóc, điều trị, không để xảy ra các tổn thương bất ngờ (ngoài diễn tiến bệnh lý); là thiết lập hệ thống và các quy định quản lý sao cho giảm tối đa các sai sót và gia tăng khả năng ngăn chặn kịp thời các sự cố.
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng hằng năm, khoảng hàng chục triệu bệnh nhân phải gánh chịu những tổn thương hoặc tử vong không mong muốn do chăm sóc y tế không an toàn. Ước tính, cứ 10 bệnh nhân nhập viện thì có 1 người bị tai biến trong điều trị. Do đó, ATNB được xem là nền tảng trong việc bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe tại BV và việc thiết lập văn hóa an toàn trong BV đóng vai trò hết sức quan trọng. Tại nhiều nước có nền y khoa phát triển như Mỹ, Anh.., văn hóa ATNB luôn được chú trọng không chỉ trên phạm vi BV mà còn ngay trong từng khoa, phòng.
Tại TP HCM, theo TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, ATNB luôn được xem là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của ngành y tế và các BV từ nhiều năm qua. Khảo sát mức độ hiểu biết, nhận thức, thái độ, hành vi về ATNB (gồm 12 lĩnh vực) của hơn 1.400 nhân viên y tế (gần 63% là điều dưỡng, kỹ thuật viên và hơn 25% là bác sĩ) đang công tác tại 43 BV trên địa bàn TP (gồm 18 BV thành phố, 3 BV bộ - ngành, 14 BV quận - huyện và 8 BV tư nhân) của Sở Y tế mới đây cho thấy mức điểm trung bình về ATNB ở các BV là 3,8 (thang điểm 5). Khối BV tư nhân có điểm trung bình về ATNB cao hơn các khối BV còn lại.
Nhìn chung, các nhân viên y tế có sự nhìn nhận tích cực về ATNB trong BV và khoa mình công tác nhưng vẫn còn khá nhiều tồn tại cần khắc phục. Có nhiều phản hồi không tích cực ở các lĩnh vực như: thông tin về sai sót, cách xử lý khi có sai sót, tần suất báo cáo sự cố... “Trong thời gian tới, các BV sẽ tiến hành những biện pháp cải tiến nhằm nâng cao văn hóa ATNB trong BV” - ông Thượng nhấn mạnh.
Thay đổi để tiệm cận thế giới
Trong khi đó, văn hóa sức khỏe cũng là một khái niệm mới trong y khoa và chưa bao giờ được quan tâm như hiện nay. Theo PGS-TS-BS Võ Văn Thắng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng Trường ĐH Y Dược Huế kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng (ICHR), văn hóa sức khỏe có thể gọi là năng lực hoặc hiểu biết về sức khỏe và là một chủ đề đang nổi trong chương trình sức khỏe toàn cầu. Khả năng bệnh nhân có thể hiểu được các vấn đề về sức khỏe và dịch vụ y tế cũng như thông tin hướng dẫn liên quan đến giao tiếp hiệu quả giữa bệnh nhân và thầy thuốc là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đang tiến tới mục tiêu này qua việc vừa ban hành các quy định và quy tắc ứng xử của nhân viên y tế. Trong đó, bác sĩ được yêu cầu “thăm khám người bệnh toàn diện, lắng nghe lời kể của người bệnh và ân cần giải thích cho người bệnh hiểu rõ phương pháp điều trị cho họ” hoặc “bác sĩ điều trị, y tá - điều dưỡng, nữ hộ sinh phụ trách bố trí thời gian hợp lý để tiếp xúc, thăm khám, giáo dục sức khỏe và hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ điều trị và chăm sóc”…
Tuy vậy, BS Thắng cho rằng việc triển khai văn hóa sức khỏe tại các BV ở Việt Nam khó tránh khỏi khó khăn do tồn tại những vấn đề về giao tiếp của nhân viên y tế với bệnh nhân, quá tải, hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BV, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng...
Người bệnh là bộ mặt của bệnh viện
Theo TS-BS Trịnh Thắng, chuyên gia về lĩnh vực y tế công cộng, giáo dục và phát triển xã hội, người bệnh đến với BV mang theo không chỉ nỗi đau bệnh tật mà còn cả cuộc sống. Vì vậy, BV phải lấy người bệnh làm trung tâm chứ không phải là bệnh tật. Cần lắng nghe và đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chu đáo nỗi trăn trở nhiều mặt của người bệnh. Văn hóa ứng xử BV là nỗ lực chung của toàn thể cán bộ, nhân viên và môi trường BV chứ không của riêng ai. Người bệnh là sứ giả, là bộ mặt của BV và hãy để họ quảng bá về BV.
Bình luận (0)