Những ngày cuối năm 2020, đại diện Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) do TS-BS Dư Thị Ngọc Thu - Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy - cùng đại diện BV Bà Rịa đã đến xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu viếng anh N.H.Q và cảm ơn gia đình. Hành động cao cả của gia đình anh Q. đã cứu sống 4 bệnh nhân suy tạng nặng.
Làm đẹp cho đời
Anh Q. 30 tuổi, là công nhân cầu đường đã không may bị tai nạn giao thông dẫn đến chết não. Trước đó, anh Q. được đưa vào BV Bà Rịa cấp cứu nhưng không qua khỏi. Khi nhận được thông tin, mẹ anh Q. là bà Phạm Thị Mai đã bàn bạc với gia đình có một quyết định đầy nhân văn là xin hiến tạng con trai, với mong muốn vừa giữ lại một phần thân thể của anh Q. để anh tiếp tục được "sống" và cứu những người bệnh đang chờ ghép tạng.
Với bà Nguyễn Thị L. (ở Bắc Giang), khi quyết định hiến tạng của con trai 18 tuổi, bà đã vật vã suốt một đêm. Là người mẹ đơn thân nuôi con khôn lớn nhưng người con duy nhất lại vĩnh viễn rời xa bà vì gặp tai nạn khi trên đường đi làm về. Bà đã quyết định hiến tạng con với tâm nguyện những người mẹ khác sẽ được hạnh phúc thay cho bà.
Một ca ghép tạng tại bệnh viện Việt Đức - Hà Nội (Ảnh: DIỆU THU)
"Quyết định hiến tạng của con mình, tôi chỉ nghĩ là cơ thể con mình vẫn sống cho người khác khỏe mạnh, chỉ cần nghĩ như vậy là tôi mãn nguyện rồi" - bà L. bộc bạch.
Còn chị Đ.T.P (ở TP Hà Nội) có mẹ là người hiến tạng, chia sẻ việc hiến tạng của người thân là việc làm ý nghĩa cuối cùng mà chị có thể làm cho người mẹ yêu quý.
"Dù ra đi, họ vẫn làm đẹp cho đời khi giúp hồi sinh nhiều cuộc đời khác. Còn với những người ở lại, việc đồng ý hiến tặng một phần cơ thể của người thân không phải là quyết định dễ dàng. Tấm lòng và sự dũng cảm của họ là một sự trân quý. Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân chân thành, sâu sắc của các thầy thuốc cũng như thay lời cho người bệnh nhận nguồn tạng hiến, bày tỏ lòng biết ơn tới người hiến tạng và thân nhân người hiến tạng" - GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức (TP Hà Nội), tâm sự.
Nối dài sự sống
GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết từ tháng 6-2013 đến tháng 12-2020, cả nước đã thực hiện được 5.473 ca ghép tạng. Riêng tại BV Việt Đức (TP Hà Nội) đã thực hiện thành công gần 1.100 ca ghép thận, 90 ca ghép gan, 34 ca ghép tim, 5 ca ghép phổi.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, hằng năm BV thực hiện khoảng hơn 29.000 lượt phẫu thuật. Riêng về hoạt động ghép tạng, đến nay BV đã thực hiện 982 ca ghép thận, 29 ca ghép gan, 5 ca ghép tim, 18 ca ghép giác mạc, 130 ca ghép tủy.
Tại BV Đại học Y Dược TP HCM, 2 năm kể từ ca ghép gan đầu tiên (năm 2018) đến nay, BV đã thực hiện thành công 11 trường hợp. Đặc biệt, với 2 trường hợp gần nhất (ca ghép thứ 10 và 11 từ người chết não và người cho sống), BV đã trở thành một trong những cơ sở phía Nam có thể thực hiện kỹ thuật ghép gan, góp phần mang lại cơ hội sống, chất lượng sống ngày càng cao cho người bệnh xơ gan, ung thư gan cũng như giúp người dân thụ hưởng phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả.
TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân Dân 115 (TP HCM), cho biết số lượng người bệnh chạy thận nhân tạo tại BV hiện đứng thứ 2 trên toàn quốc. Là một trong 2 đơn vị ghép thận lớn nhất ở phía Nam, BV là một trong những trung tâm lớn của cả nước có quy mô chăm sóc và điều trị người bệnh suy thận mạn theo quy trình khép kín bao gồm điều trị trước ghép, chuẩn bị ghép, ghép thận và theo dõi hậu ghép.
Hằng ngày có trên 400 người bệnh suy thận mạn được lọc máu tại trung tâm với cả 2 phương pháp là thẩm phân phúc mạc và chạy thận nhân tạo. Với đội ngũ 23 bác sĩ, quản lý hơn 1.000 người bệnh lọc thận, lọc màng bụng, hậu ghép. Đến nay, BV đã thực hiện gần 300 ca ghép thận.
Theo GS-TS Trịnh Hồng Sơn, nhu cầu ghép mô, tạng ở nước ta rất lớn nhưng số người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Điều đáng nói là trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng từ các bệnh nhân chết não, chết tuần hoàn thì ở Việt Nam nguồn mô tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó, một tỉ lệ không nhỏ là người chết não, nên tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác.
GS Trịnh Hồng Sơn cho biết tại Mỹ, thông tin của người đăng ký hiến tạng sẽ được tích hợp vào bằng lái xe và khi chẳng may bị chết não, bác sĩ có quyền lấy tạng theo nội dung đã đăng ký mà không phụ thuộc vào nguyện vọng của gia đình. Áp dụng quy định này sẽ tránh được khó khăn có thể xảy ra do gia đình người tử nạn có người đồng ý, có người không.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam - cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do "quan điểm chết toàn thây" còn khá nặng nề, một số lại do mặc cảm và sợ tai tiếng bán nội tạng người thân nên nhiều người không có ý định hiến mô, tạng dù trên thực tế, hầu hết các tôn giáo đều ủng hộ việc hiến tạng cứu người.
Bình luận (0)