Ca nhiễm Covid-19 (bệnh viêm hô hấp cấp do virus corona chủng mới 2019-nCoV gây nên) thứ 3 của TP HCM cũng là ca thứ 7 của Việt Nam (tính đến thời điểm 31-1), tức ông T.K.H. (73 tuổi, Việt kiều Mỹ). Ông được phát hiện bệnh khi đang cư ngụ tại khách sạn Triều Hân (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3 - TP HCM).
Ông T.K.H. phát bệnh ngày 27-1 và được nhập viện ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới vào chiều 31-1, sau đó kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính với 2019-nCoV. Hiện bệnh nhân này đã ổn định nhưng chưa âm tính với nCoV nên vẫn chưa được xuất viện.
Diễn tập phòng dịch ở BV Thống Nhất
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), một trong 4 đơn vị đầu tiên của TP HCM nhận nhiệm vụ tư vấn, theo dõi, cách ly các trường hợp nghi nhiễm/nhiễm nCoV từ đầu mùa dịch, phân tích: "Thời gian ủ bệnh tối đa của người bị Covid-19 là 14 ngày. Tính đến chiều qua 14-2 là đúng 14 ngày kể từ khi bệnh nhân nhập viện, tức cắt nguồn lây khỏi cộng đồng. Vì vậy, hôm nay đã là ngày thứ 15 mà chưa phát hiện ca dương tính nCoV nào trong số những người từng tiếp xúc với bệnh nhân cũng như trên địa bàn TP HCM, có nghĩa là cư dân trong khu vực và TP HCM đã có thể an tâm rằng ca nhiễm này không hề lây cho ai trong cộng đồng".
Bác sĩ Khanh cũng bác bỏ tin đồn rằng TP HCM cho nghỉ học đến 2 tuần là tại "có biến" và khẳng định là tình hình TP HCM vẫn ổn. Cách đây ít hôm, trong số những người có tiếp xúc với ông T.K.H. có một em bé 5 tuổi có hiện tượng sốt, phát ban, tuy nhiên bệnh nhi này đã được Viện Pasteur TP HCM xác định là âm tính với nCoV gây Covid-19.
Hai ca nhiễm còn lại của TP HCM là 2 cha con người Trung Quốc cũng đã xuất viện. Tính theo ngày nhập viện của họ là 22-1 thì ngày 6-2 vừa qua cũng đã là ngày thứ 15. Vì vậy có thể nói cho đến thời điểm này, nguy cơ 3 ca nhiễm Covid-19 từng ghi nhận ở TP HCM lây cho cộng đồng đã hoàn toàn không còn.
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên người dân vẫn không nên lơ là việc phòng bệnh bởi tình hình Covid-19 trên thế giới vẫn nhiều biến động và Việt Nam vẫn còn một số ca nhiễm chưa qua tầm 14 ngày ở Vĩnh Phúc.
Về thông tin "thời gian ủ bệnh lên đến 24 ngày", bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định đó chỉ là một kết quả quan sát chưa được bất kỳ cơ quan y tế nào xác định hay sử dụng. Hiện Việt Nam vẫn dùng tiêu chuẩn 14 ngày theo tiêu chuẩn chung của thế giới. "14 ngày chỉ là thời gian tối đa một người có thể ủ bệnh, thời gian thông thường khoảng 3-7 ngày. Nói bệnh này lây khi ủ bệnh cũng không hoàn toàn đúng, mà đúng hơn nó có thể lây trong giai đoạn tiền chứng, thường là 1-2 ngày trước khi phát bệnh" – ông Khanh cho biết.
Trước đó, một số tờ báo của Trung Quốc có đưa tin về một công trình dạng quan sát tại Trung Quốc cho rằng thời gian ủ bệnh có thể lên đến 24 ngày. Thế nhưng trong nghiên cứu khoa học, dạng nghiên cứu quan sát chỉ mang tính tham khảo vì chưa thể chứng minh được nguyên nhân, cơ chế.
Số mẫu của nghiên cứu này cũng rất nhỏ so với số bệnh nhân thực tại Trung Quốc, chỉ mới được đăng tải trên kho lưu trữ medRxiv chứa chưa được công bố trên bất kỳ tạp chí khoa học nào. Hiện tại, các nước trên thế giới, bao gồm Trung Quốc vẫn áp dụng tiêu chuẩn đã được chứng minh là 14 ngày.
Bình luận (0)