Ngày 13-9, Sở Y tế TP HCM cho biết ngành y tế TP đã bước đầu nhận diện được mô hình sức khỏe sinh sống trên địa bàn sau khi triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi.
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Trạm Y tế phường 5, quận 3, TP HCM
Theo Sở Y tế TP HCM, trước đó, sở đã tập huấn cho các cán bộ y tế tại các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức thực hành sử dụng phiếu khám sức khỏe, học cách tiếp cận, tầm soát các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh lý ung thư thường gặp và đánh giá các hoạt động sống hằng ngày của người cao tuổi.
Đây là chương trình tầm soát của Tổ chức Y tế Thế giới và được Văn phòng đại diện tại Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật triển khai tại TP HCM (Chương trình WHO – PEN).
Ngoài ra, học viên còn được tập huấn cách triển khai các điểm khám sức khỏe, quy trình khám sức khỏe, cách nhập liệu và thống kê báo cáo, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi.
Tính đến nay, đã có 13.773 người được khám sức khỏe (trên tổng số 20.079 người được 61 phường, xã mời ra trạm y tế khám và tầm soát bệnh.
Trong đó, người cao tuổi đang sinh sống tại TP HCM mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe đứng đầu là tăng huyết áp (chiếm 52,27%), kế đến là đái tháo đường (15,03%), hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (2,66%), tiền sử ung thư (1,23%). Qua khám sức khỏe còn ghi nhận số trường hợp mới được phát hiện tăng huyết áp (7,44%), tăng đường huyết cần kiểm tra lại đường huyết lúc đói (14,96%), nghi hen phế quản hoặc bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (1,22%).
Ngoài ra, qua khám sức khỏe còn phát hiện 420 người (3,05%) có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng; 295 người (2,14%) có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng. Về các dấu hiệu suy yếu thể lực, ghi nhận có 2.277 người có dấu hiệu tiền suy yếu (16,53%); 69 trường hợp (0,50%) có dấu hiệu suy yếu; 2.727 người (19,80%) có nguy cơ té ngã.
Bên cạnh đó, ghi nhận 231 người (chiếm 1,68%) phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển); 874 người (chiếm 6,35%) phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...).
Bình luận (0)