Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam dẫn số liệu mới nhất cho thấy mỗi năm, bệnh viêm gan C làm 350.000 người tử vong, 3-4 triệu người mắc mới và hiện số nhiễm virus này là hơn 185 triệu người trên toàn cầu. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan C gồm: người tiêm chích, hút hít ma túy; nhân viên y tế hay những người làm các công việc phải tiếp xúc với kim tiêm, dịch nhầy có máu nhiễm virus viêm gan C; người từng trải qua các thủ thuật y tế như truyền máu hay các sản phẩm từ máu, lọc máu do suy thận, tái sử dụng kim tiêm, ống tiêm, ống thông...; người được khám chữa răng hay châm cứu, chích lể, xăm da, làm các thủ thuật thẩm mỹ với dụng cụ không tiệt trùng; người có mẹ nhiễm virus viêm gan C; bệnh nhân có triệu chứng bất thường ở gan (tăng men gan, vàng da,…); tình dục không an toàn; người bị nhiễm HIV.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 4-5 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C. Viêm gan virus C được giới chuyên môn xem là “sát thủ thầm lặng”, ngoài yếu tố có nguy cơ dễ lây nhiễm cao trong cộng đồng, hầu hết người bị nhiễm loại virus này không có biểu hiện triệu chứng giai đoạn đầu, có thể tới vài chục năm - cho đến khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan - mới biết mắc bệnh. Các số liệu mới nhất cho thấy tỉ lệ bệnh viêm gan virus C tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng do phần lớn người dân cũng như bệnh nhân thiếu kiến thức về bệnh. Nhiều người chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ mắc viêm gan virus C, không được tầm soát sớm nên vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh.
Giới chuyên môn cho rằng việc phát hiện bệnh quá muộn sẽ gây nhiều khó khăn trong điều trị và có nguy cơ tử vong cao trong khi bệnh viêm gan virus C hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Bình luận (0)