Nói cách khác, nếu chiếc đồng hồ của cơ thể vì lý do nào đó bỗng chạy nhanh hay chạy chậm hơn bình thường, báo động quá sớm hay quá trễ thì rối loạn trên trục thần kinh- nội tiết- biến dưỡng sớm muộn gì cũng đến.
Giữ quân bình nhịp sinh học
Đáng nói hơn nữa, theo kết quả nghiên cứu của khoa nội thần kinh ở Đại học Munich, 70% trường hợp rối loạn nhịp sinh học khiến nạn nhân đau đầu, mất ngủ, biếng ăn, buồn chán, đãng trí, rối loạn cương dương, lãnh cảm… là do bàn tay phá hoại của stress. Do đó, làm sao trung hòa được tác hại của stress để chỉnh đồng hồ sinh học chính là phương án dự phòng nhiều căn bệnh nghiêm trọng.
Bận cách mấy cũng cần thư giãn một lần không dưới 15 phút Ảnh: Hoàng Triều
Điểm lý thú là chuyện gia về bệnh do stress ở Đại học Munich lại không khuyến khích việc dùng thuốc vì cho dù có ức chế được chỗ này trong hệ thần kinh thì chỗ khác lại bùng phát, nhiều khi mạnh hơn. Thay vì chỉ trông mong vào thuốc, các nhà nghiên cứu ở Đức đã đồng thanh khuyến khích phương án chủ động thay đổi nếp sinh hoạt. Theo họ, muốn tái lập quân bình cho nhịp sinh học cần đổi nhịp trong cuộc sống thường ngày để từ đó cơ thể trở về điểm xuất phát, như trả cần số về O rồi hãy sang số để xe khỏi cà giật.
Khuyên dễ, làm khó
Nhiêu khê ở chỗ, khác với đồng hồ đeo tay, đồng hồ sinh học bao giờ cũng chạy theo kiểu không ai giống ai. Kẹt cho nạn nhân của stress là các biện pháp theo lời khuyên nghe rất nhẹ nhàng của thầy thuốc lại không dễ thực hiện, đó là:
-Nên tìm cách nghỉ ít phút nhưng nhiều lần trong ngày.
-Đừng xem thường chuyện xả đầu ra. Bận cách mấy cũng cần thư giãn một lần không dưới 15 phút trong khung cảnh chỉ còn mình với ta, nếu thiền định thì càng tốt.
-Tuyệt đối đừng mang việc chưa làm xong vào giờ nghỉ. Đã gọi là nghỉ thì phải ngưng chuyện vừa làm cũng như sắp làm. Nên tắt điện thoại di động vì không có chuyện gì khẩn cấp trong vòng 15 phút phù du trừ khi… cháy nhà!
-Chọn hình thức giải trí trong giờ nghỉ hoàn toàn trái ngược với công việc thường ngày. Ngưng đánh máy vi tính để đọc sách trong giờ nghỉ thì chẳng khác nào "khêu gợi" stress.
-Đừng đóng vai thụ động với lịch hẹn trong công việc. Tất nhiên, cần linh động nhưng đừng cố gắng chạy theo yêu sách của người khác bằng mọi giá. Quan trọng hơn nữa là tuyệt đối đừng tìm cách giải quyết hai vấn đề trong khoảng thời gian chỉ đủ cho một việc.
-Tránh "việc gì cũng để ngày mai" nhưng mặt khác, cũng đừng cố gắng giải quyết cho xong việc không nhất thiết phải xong trong ngày hôm nay. Đừng theo quan điểm "tiện thể làm cho xong", bởi chính vì thế mà không xong!
-Đừng tự kỷ ám thị với định kiến mình là người không thế thay thế. Trái lại, cho dù có thừa sức cáng đáng vẫn nên tìm cách chia sẻ trách nhiệm cho đồng đội.
-Tìm cách trở về với thiên nhiên, càng thường xuyên càng tốt, để vừa "xả xú bắp" vừa tìm lại hứng thú trong cuộc sống. Đời sống tinh thần đang ngày càng trở nên thiếu thốn, kể cả ý thức và tình người, trong khi lúc nào cũng thừa stress vì tham- sân- si đang lên ngôi chủ trì, nên quả thật, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng nếu khoanh tay ngồi chờ thì đằng nào cũng thua… stress!
Bình luận (0)