Nghiên cứu vừa được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ cho thấy bệnh cúm có thể lan truyền từ người này sang người khác qua đường thở, không đợi ho và hắt xì. Tạp chí Time hôm 19-1 dẫn lời GS-TS Donald Milton, chuyên gia sức khỏe môi trường Trường Y tế Công cộng - Đại học Maryland (Mỹ), tác giả nghiên cứu, cho biết: "Người bệnh phát tán rất nhiều virus mọi lúc, thậm chí khi họ không ho. Do đó, chúng ta có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào".
Trong mùa cúm 2012-2013, Milton và các cộng sự của ông đã thực hiện nghiên cứu trên 142 sinh viên Trường ĐH Maryland mắc bệnh cúm. Qua tổng cộng 218 đợt quan sát, mỗi đợt kéo dài 30 phút, sinh viên được ngồi trong một chiếc máy có khả năng đo lường các giọt dịch li ti phát tán qua hơi thở, lời nói, ho hoặc nhảy mũi. Các nhà nghiên cứu phát hiện gần nửa số giọt dịch thu được khi người bệnh không ho cũng chứa virus cúm, nghĩa là chỉ cần hít phải không khí có mầm bệnh cũng khiến bạn lây cúm. GS Milton cũng dẫn các nghiên cứu trước đây cho thấy khẩu trang y tế không thể ngăn chặn được các giọt dịch tí hon này.
Nghiên cứu cũng phát hiện đa số đàn ông phát tán nhiều virus cúm hơn phụ nữ nhưng phụ nữ lại ho nhiều hơn. Những người có chỉ số cơ thể BMI cao (thừa cân, béo phì) cũng có khuynh hướng dễ lây bệnh cho người khác hơn. Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng người béo khi mắc cúm phải gánh chịu mức độ viêm cao hơn. Mặt khác, đường hô hấp họ dễ tắc nghẽn nên bầu không khí sẽ nhận những "cơn bão" virus mỗi khi thông đường thở.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy số virus cúm này có thể tồn tại trong bầu không khí hàng giờ. Phân tích 142 bệnh nhân cúm cũng xác định thời điểm phát tán virus mạnh mẽ nhất là giai đoạn đầu nhiễm bệnh. GS Milton nhận định trong tương lai nếu nghiên cứu được củng cố có thể dẫn đến những thay đổi trong cách thiết kế không gian công cộng và hệ thống thông gió. "Còn bây giờ, thông điệp của chúng tôi là khi có các biểu hiện cúm, bạn nên ở nhà và tránh xa mọi người ngay cả khi không ho" - GS Milton nói.
Bình luận (0)