Thanh Mai (Hà Nội) hỏi: Tôi năm nay 48 tuổi, mỗi ngày dùng 5-6 loại thực phẩm chức năng - từ nghệ, sâm linh chi, collagen, tảo... đến các loại vitamin tổng hợp. Nhiều lúc ngại ăn rau, tôi bổ sung tảo biển thay thế. Tôi đã thực hiện chế độ này trong thời gian khá dài, mong bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trả lời: Nhiều người quan niệm các loại vitamin, thuốc bổ, thuốc hỗ trợ, thực phẩm chức năng, thực phẩm dưỡng sinh... "không bổ dọc cũng bổ ngang" nên dùng càng nhiều càng tốt nhưng thực tế, việc lạm dụng quá nhiều sẽ gây hại hơn lợi. Bởi lẽ, khi các sản phẩm này được nạp vào cơ thể, quy trình đào thải cũng được xử lý giống như các loại thực phẩm chúng ta dùng nên dù là thuốc bổ vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu đến gan và thận; gây hại nếu dùng không đúng cách, lạm dụng liều cao dài kỳ.
Chẳng hạn, nhiều loại thực phẩm chức năng chứa vitamin nhưng có loại vitamin tan trong nước, loại tan trong dầu. Vitamin tan trong nước thì có thể thải trừ được nếu uống nhiều nhưng với vitamin tan trong dầu, nếu dùng quá nhiều thì nó sẽ tích lũy tại gan, lâu dài có thể dẫn đến ngộ độc. Các vấn đề mà những sản phẩm này gây ra cũng giống như thực phẩm - khi sử dụng chưa thấy ngộ độc cấp tính nhưng có thể ngộ độc mạn tính.
Việc tùy tiện dùng quá nhiều loại thực phẩm chức năng trong ngày và trong thời gian dài là không nên. Một liệu trình sử dụng có thể kéo dài 1-2 tháng, sau đó tạm dừng một thời gian rồi lại tiếp tục. Tốt nhất, trước khi sử dụng các sản phẩm hỗ trợ, người dùng nên đến bác sĩ để được tư vấn đúng cách. Một nguyên tắc quan trọng là chỉ bổ sung thực phẩm chức năng khi cơ thể thiếu hoặc khi chế độ ăn uống hằng ngày không bảo đảm. Nếu chế độ ăn đầy đủ rồi thì không cần phải bổ sung. Những vi chất, vitamin đều có rất nhiều trong thực phẩm tự nhiên.
Bình luận (0)