Ngày 11-12, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết một bé gái từng ra đời trong tình trạng cực non, chỉ 600 g, vừa được xuất viện. "Bé tí hon" này là con của chị H., ngụ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, khi người mẹ mang thai mới được 27 tuần thì phát hiện toàn thân phù nhiều, tăng nhanh, nhức đầu nên đến Bệnh viện Gò Công khám và phát hiện tình trạng tiền sản giật (cao huyết áp thai kỳ).
Cháu bé hôm xuất viện (Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ)
Suốt 1 tuần, chị H. nằm điều trị tại Bệnh viện Gò Công rồi Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Tình trạng sản phụ và cả bào thai ngày càng nguy hiểm, thai lại quá non và cháu bé được đánh giá là khó có khả năng nuôi sống nếu phải mổ lấy thai vào thời điểm đó.
Sau khi hội chẩn, y - bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang quyết định chuyển sản phụ H. lên Bệnh viện Từ Dũ để tìm hy vọng.
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ phát hiện người mẹ không chỉ bị tiền sản giật mà còn có tình trạng nhau tiền đạo loại III, bé có tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung mức độ II. Huyết áp người mẹ vẫn tăng cao mặc dù được điều trị phối hợp các loại thuốc hạ áp.
Vì tình trạng không an toàn cho mẹ và bé nên sau 3 ngày điều trị, phải chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp mổ lấy thai.
Một ê-kíp phẫu thuật được tổ chức khẩn cấp với nhóm bác sĩ sơ sinh sẵn sàng đón bé, chuẩn bị sẵn máy thở. Bé sinh ra chỉ 600g, được đặt nội khí quản, bóp bóng và nhanh chóng chuyển về khoa sơ sinh nằm lồng ấp.
Cháu bé gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe như nhiều em bé cực non khác. Về hô hấp, bé bị bệnh màng trong (RDS) mức độ 2 nhưng nhờ có 4 liều thuốc hỗ trợ phổi trước khi sinh và 1 liều thuốc giúp giãn nở phổi sau sinh (liệu pháp surfactant) nên tình trạng có cải thiện rõ.
Sau 2 ngày, cháu bé được rút ống nội khí quản chuyển qua thở thông khí áp lực dương (NCPAP). 3 ngày sau, bé chuyển qua thở oxy qua mũi nhưng sau đó bị lệ thuộc oxy nên phải mất 1 tháng sau mới ngưng được hoàn toàn oxy.
Về đường ruột, sau sinh, bé bị tình trạng viêm ruột nên phải nuôi ăn hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch, dùng kháng sinh phối hợp cả 3 loại, sau 10 ngày tình trạng viêm ruột cải thiện dần.
Cháu bé được nuôi bằng nguồn sữa từ Ngân hàng Sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ, ban đầu phải dùng sonde dạ dày nhưng sau đó tình trạng cải thiện dần.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Hồng Nhu (phải), Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Từ Dũ, tặng quà kỷ niệm cho gia đình chị H. trước khi xuất viện (Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ)
Sau 7 tuần, cháu bé ổn định nhưng lại phát hiện thêm tình tình trạng tăng sinh mạch máu bất thường - một bệnh lý võng mạc ở các bé sinh non (ROP), phải điều trị bằng phương pháp tiêm nội nhãn. Rất may sau tiêm, mắt bé cũng ổn định.
Tuần thứ 8, cháu bé bắt đầu được cha mẹ ấp bằng phương pháp Kangaroo. Hơn 1 tuần sau, bé tăng được cân nặng từ 1.460g lên 1.610g, sức khỏe đủ tiêu chuẩn nên vừa được cho xuất viện.
Cháu bé sẽ tiếp tục được tái khám, theo dõi quá trình phát triển về sau.
Bình luận (0)