Khi con gái đầu lòng của chị T.T.B.T (40 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) được 10 tuổi, bé từng trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Lần đó, bé theo gia đình về quê ăn Tết, không may bị bệnh, dẫn đến viêm phổi nặng, từ bệnh viện (BV) địa phương phải chuyển lên BV Nhi trung ương (Hà Nội) điều trị.
Cả hai thái cực đều không ổn
Quá trình chữa bệnh từ khi con gái chị B.T mới ho hen đôi chút đã rất khó khăn bởi cô bé có hiện tượng kháng kháng sinh (lờn thuốc). Hiện tượng lờn một số kháng sinh ở bé được xác định là do từ khi cháu còn nhỏ, cơ thể đã bị "dập" đủ loại kháng sinh. Hễ bé ho hen một chút là người mẹ lại lo âu, ra nhà thuốc mua đủ loại về dùng. Có khi đưa con đi khám bệnh ở BV nhi về, thấy bác sĩ (BS) cho ít thuốc quá, chị tự ý mua thêm vì tin tưởng người bán thuốc gần nhà.
Sau cơn viêm phổi đáng sợ ấy, chị B.T chuyển sang cực khác: sợ thuốc, nhất là kháng sinh. Thế là khi bé trai thứ hai cảm sốt, chị lại mua về nhà nào miếng dán hạ sốt, các loại thảo dược có tính hàn, trị ho... Mới đây, khi cháu bé bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, chị không đưa đi viện mà chỉ ở nhà pha một loại trà trị ho cho bé uống. Nhưng không may, bệnh diễn tiến nặng. Khi cháu bé nhập viện vì viêm phổi, chị vô cùng hoang mang khi được biết lẽ ra bé nên được đi khám và dùng kháng sinh đúng cách từ tuần trước.
Nếu cứ lưỡng lự bệnh của mình có nên uống thuốc hay không, tốt nhất bạn nên đi khám. Trong ảnh: Đăng ký khám bệnh tại BV Đa khoa Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngại BV đông lại không thể nghỉ làm, nhiều người cũng như chị T., mỗi khi gia đình có ai bệnh không quá nặng là tự tìm cách giải quyết tại nhà. Có người hễ bệnh một chút là vội ra nhà thuốc mua về đủ loại với suy nghĩ có bệnh là phải "dập" ngay. Cũng không ít người bỏ công tham khảo thông tin trên báo chí, truyền hình và thấy ngại việc uống thuốc lung tung gây tác dụng phụ. Từ đó, họ cố tìm phương án thay thế thuốc như uống các loại trà, nước thảo mộc trị ho, đau bụng.
Tuy nhiên, theo BS Huỳnh Ngọc Hớn, Trưởng Khoa Khám bệnh, cả hai thái cực này đều không nên. Ví dụ, một cơn cảm nhẹ - gặp rất nhiều lần trong đời - thường chỉ vài ngày là khỏi mà không cần làm gì; nếu lần nào cảm cũng uống nhiều loại kháng sinh thì sớm muộn cũng sẽ lờn thuốc. Kháng kháng sinh là một vấn đề lớn đối với cộng đồng, gây nhiều bất lợi trước mắt và lâu dài cho người bệnh. Nhưng ngược lại, nhiều căn bệnh nhất thiết cần đến BS, thuốc men chứ không thể tự khỏi thì việc cố cầm cự sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Nếu cứ băn khoăn bệnh của mình có nên dùng thuốc hay không thì câu trả lời là... hãy đến BS.
Nên kết hợp linh hoạt
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), người bệnh hoặc người thân khi chăm sóc cần áp dụng linh hoạt các biện pháp thuốc men và không thuốc men. Ví dụ, khi bạn đang chăm sóc một đứa trẻ bị sốt, đầu tiên hãy dùng nhiệt kế để biết trẻ sốt bao nhiêu, nếu trên 38 độ thì nên dùng thuốc. Ngoài thuốc ra, nên lau mát cho trẻ vì đây là biện pháp đơn giản nhưng có tác dụng hạ nhiệt rất tốt, nhất là khi trẻ sốt quá cao. Nhưng nếu cơn sốt kéo dài đến ngày thứ hai hoặc xuất hiện thêm triệu chứng nặng thì phải đưa đi khám chứ không nên tiếp tục ở nhà uống thuốc.
BS Tiến cũng cảnh báo: Ở cả 2 trường hợp - quá lạm dụng thuốc hay quá "sợ" thuốc - bệnh nhân đều có thể gặp rắc rối nếu bệnh trở nặng mà không tìm đến BS. Bệnh nặng mà không dùng thuốc để điều trị thì hậu quả đã rõ. Còn quá lạm dụng thuốc thì nhiều người đã vào viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, xuất hiện các triệu chứng về gan, thận do tác dụng phụ của thuốc. Thậm chí, việc này còn gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bởi các triệu chứng do bệnh và do tác dụng phụ của thuốc bị chồng lấn lên nhau.
Đề phòng tác dụng phụ không khó
BS Nguyễn Minh Tiến khuyên các gia đình nên có sẵn các loại thuốc thông dụng - có thể mua ở hiệu thuốc mà không cần toa - để trị những triệu chứng thông thường như cảm, ho, đau bụng lặt vặt. Để tránh nỗi lo tác dụng phụ, nên hỏi kỹ dược sĩ khi mua thuốc để hiểu rõ công dụng, tác dụng phụ thường gặp của thuốc. Nếu nhà có trẻ em, phải chuẩn bị thêm thuốc dành riêng cho các thành viên này. Tuyệt đối tránh việc "để dành" những liều thuốc chưa dùng hết khi đi trị bệnh ở BV và được BS kê toa bởi trong đó có thể có có những loại thuộc chuyên khoa sâu, khi dùng nhất thiết phải có chỉ định của BS. Ngoài ra, nên chú ý đến hạn sử dụng của thuốc và bảo quản đúng cách vì thuốc hư hỏng cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ đáng ngại.
Bình luận (0)