Theo quy định hiện nay, khi mua thuốc tại nhà thuốc, có những loại người bán yêu cầu toa do bác sĩ (BS) kê và có những loại không cần. Đa số nhóm thuốc có thể mua không cần toa gồm các loại trị nhức đầu, ho, cảm sốt thông thường, đau bụng, giảm đau, vitamin… Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản rằng thuốc không cần toa thì có gì đâu, dùng sao cũng được!
Cần hướng dẫn của dược sĩ
Chị Nguyễn Mai T. (27 tuổi) chỉ chịu đến BS sau hơn 4 ngày ngủ hơn 9 giờ/ngày mà vẫn lờ đờ, uể oải, thậm chí có hôm vừa dắt xe ra khỏi nhà đã ngã nhào vì quá buồn ngủ. Chị khá bất ngờ khi nguyên nhân là do mấy viên thuốc trị sổ mũi màu vàng nhỏ xíu. Ấy là mấy ngày trước, chị T. đi dã ngoại và bị dị ứng do hít nhiều phấn hoa, từ đó sổ mũi liên tục. Chị mua một vỉ clopheniramin uống vì nhớ lần trước bị cảm, một dược sĩ lúc bán có nói thuốc này uống sẽ bớt sổ mũi.
“Thấy thuốc bán không cần toa, lại có mấy ngàn đồng một vỉ 20 viên, tôi nghĩ là “thuốc nhẹ” nên dùng mỗi ngày 5-6 viên cho mau bớt vì công việc giao tiếp mà sụt sịt mãi không tiện” - chị T. bộc bạch. Thế nhưng, chị không biết rằng mình đang dùng quá liều một loại thuốc kháng dị ứng có tác dụng phụ gây buồn ngủ rất mạnh.
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng TP HCM, cho biết những loại thuốc người dân có thể tự mua ở nhà thuốc mà không cần toa BS thường là các loại không phải chuyên khoa sâu, điều trị một số bệnh hay vấn đề sức khỏe thông thường. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ bất kỳ loại thuốc nào khi sử dụng cũng cần tuân theo các nguyên tắc riêng, liều lượng, đối tượng phù hợp, cách dùng (uống, nhét, dán…) theo sự hướng dẫn của dược sĩ nếu đó là thuốc có thể mua không cần toa BS. Bên cạnh đó, sau khi uống thuốc, người bệnh và thân nhân không được chủ quan, phải tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh và nên đến BS nếu bệnh tiếp tục kéo dài, thuốc không có tác dụng, xuất hiện các triệu chứng bất ổn…
Theo BS chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Hớn, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Trưng Vương, không phải tự dưng mà Bộ Y tế quy định nhà thuốc phải có các dược sĩ đứng ở quầy. Nhiệm vụ của họ không chỉ là bán thuốc như nhiều người vẫn nghĩ mà còn lắng nghe bệnh nhân về các triệu chứng, giúp họ chọn thuốc phù hợp và tư vấn cách sử dụng. Chúng ta nên hiểu đầy đủ rằng thuốc không cần toa có nghĩa là bạn có thể mua chúng mà không cần BS kê toa, chỉ cần có sự hướng dẫn của dược sĩ chứ không phải là cứ tự mua, tự dùng như thế nào cũng được.
Tuổi nào dùng thuốc nấy
BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh nên cẩn thận nếu có ý định mua một loại thuốc nào đó dùng cho cả nhà. Bởi nếu trong gia đình có trẻ nhỏ thì tùy vào độ tuổi, cân nặng…, một số loại thuốc dùng cho người lớn sẽ không phù hợp với trẻ. Việc tự ý bẻ thuốc, mở viên con nhộng chia thuốc ra là điều không nên vì kích cỡ, hình dáng, loại vỏ thuốc nhiều khi đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh sự hấp thụ của thuốc trong cơ thể. Có loại thuốc được sản xuất để cho phản ứng ngay khi uống, cũng có loại được thiết kế phần vỏ thuốc dày để phản ứng chậm, đi vào một vị trí nhất định trong đường tiêu hóa thì vỏ mới tan ra, giải phóng thuốc bên trong… Việc bẻ nhỏ, nghiền hay mở viên nhộng hòa tan với nước sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ thuốc, làm giảm, mất tác dụng hay gây ra các tác dụng không mong muốn. Mặt khác, khi tự chia viên thuốc ra, phụ huynh cũng khó kiểm soát được liều lượng chính xác.
Ngoài ra, phụ huynh nên lưu ý rằng dù chữa cùng một bệnh nhưng có những thuốc thuộc nhóm không cần kê toa, sử dụng rộng rãi cho người lớn nhưng lại chống chỉ định đối với trẻ em vì có các thành phần không phù hợp. Tốt nhất là khi đi mua thuốc cho trẻ nhỏ, hãy thông báo với dược sĩ về tuổi tác, cân nặng của các cháu để được bán loại thuốc phù hợp.
Tủ thuốc gia đình: Cần nhưng phải cẩn thận
Theo BS Huỳnh Ngọc Hớn, việc dự trữ một số loại thuốc thông dụng thuộc nhóm có thể mua không cần toa BS trong nhà là khá cần thiết. Ví dụ, nửa đêm trong nhà có người đau bụng nhẹ hay lên cơn sốt mà không có thuốc sẵn thì rất phiền toái. Thế nhưng, phải lưu ý các điều sau: Nhờ dược sĩ tư vấn khi mua để nắm rõ công dụng và cách dùng, chú ý giữ lại tờ hướng dẫn sử dụng, bảo quản ở nơi có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp; chú ý hạn sử dụng của thuốc và đặt tủ thuốc xa tầm tay trẻ em.
Bình luận (0)