Theo Tổ chức Y tế thế giới, số huyết áp tốt nhất là 120/80 mmHg, số 120 là số huyết áp trên và 80 là số dưới. Bị cao huyết áp khi 2 số trên dưới cao hơn 140/90 mmHg.
Đặc tính một số loại thuốc
Cần lưu ý đến giai đoạn tiền tăng huyết áp, thể hiện ở huyết áp trên (tâm thu): 120-139 và huyết áp dưới (tâm trương): 80-90; giai đoạn này cần phải thay đổi lối sống (ăn nhạt, vận động thể lực). Nếu buộc phải dùng thuốc để điều trị, cần hiểu về đặc tính của thuốc để dùng cho đúng nguyên tắc và đúng người bệnh, đặc biệt là đối với bệnh nhân có các bệnh lý khác kèm theo.
Có nhiều thuốc trị cao huyết áp đang được sử dụng ở nước ta, chia thành nhiều nhóm như: nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc chẹn alpha, nhóm thuốc chẹn beta, nhóm thuốc đối kháng canxi, nhóm thuốc ức chế men chuyển, nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II. Với mỗi nhóm thuốc có một số đặc tính khác nhau, phù hợp với từng bệnh nhân khác nhau.
Chẳng hạn, với nhóm thuốc lợi tiểu, được chỉ định dùng đơn độc đối với bệnh nhân bị huyết áp nhẹ. Khi bệnh tăng huyết áp nặng hơn thì có thể phối hợp với thuốc khác. Khi phối hợp thuốc cần lựa chọn loại phù hợp do có loại làm thải nhiều kali, loại giữ kali, tăng axít uric trong máu, tăng cholesterol máu.
Nhóm thuốc chẹn alpha có cơ chế là ức chế giải phóng noradrenalin tại đầu dây thần kinh (là chất sinh học làm tăng huyết áp), do đó làm hạ huyết áp. Nhóm thuốc chẹn beta lại có tác dụng tốt đối với bệnh nhân có kèm đau thắt ngực hoặc có nhịp tim nhanh. Nhóm thuốc đối kháng canxi có lợi cho bệnh nhân tăng huyết áp có kèm đau thắt ngực, đặc biệt phù hợp đối với bệnh nhân cao tuổi. Nhóm thuốc ức chế men chuyển được lựa chọn khi bệnh nhân có thêm các bệnh như hen suyễn, đái tháo đường.
Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II là nhóm thuốc mới, có tác dụng hạ huyết áp, đưa huyết áp về trị số bình thường, tương đương với các thuốc nhóm đối kháng canxi, chẹn beta, ức chế men chuyển. Lợi điểm của nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II là do không trực tiếp ức chế men chuyển nên gần như không gây ho khan như nhóm ức chế men chuyển hoặc không gây phù như thuốc đối kháng canxi.
Thuốc điều trị tăng huyết áp hiệu quả không có nghĩa là thuốc đắt tiền hay vì người khác sử dụng có hiệu quả Ảnh: Hoàng Triều
Một số nguyên tắc cần tuân thủ
Theo khuyến cáo mới, khi mới bị tăng huyết áp, bệnh nhân nên dùng thuốc đầu tiên là nhóm lợi tiểu, đặc biệt là nhóm thiazid hoặc một trong 3 nhóm đối kháng canxi, ức chế men chuyển, đối kháng thụ thể angiotensin II. Theo khuyến cáo JNC 7, tuy mới bị bệnh nhưng khi huyết áp của người bệnh cao hơn mức cần phải đạt khá nhiều (huyết áp trên cao hơn 20 mmHg, huyết áp dưới cao hơn 10 mmHg) thì người bệnh cần được điều trị ngay với 2 thuốc phối hợp, thông thường có thuốc lợi tiểu.
Thuốc trị tăng huyết áp có nhiều loại và vấn đề sử dụng khá phức tạp. Chỉ có bác sĩ điều trị mới là người có thẩm quyền chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc thế nào cho an toàn và hiệu quả. Ðặc biệt, bác sĩ có thể quyết định có nên thay thuốc điều trị lâu nay bằng một thuốc mới hay không, chứ không nhất thiết luôn luôn phải dùng thuốc mới.
Thuốc trị tăng huyết áp nhằm giúp kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu, chứ không phải chữa trị được dứt điểm căn bệnh này. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, nếu ngừng điều trị, nó có thể tăng đột ngột và gây ra những rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy, không nên tự ý ngưng bỏ việc dùng thuốc trị tăng huyết áp.
Cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý lựa chọn và mua thuốc về sử dụng. Thuốc điều trị tăng huyết áp hiệu quả không có nghĩa là thuốc đắt tiền hay vì người khác sử dụng có hiệu quả. Chỉ có bác sĩ mới có thể quyết định loại thuốc điều trị nào tốt nhất và phù hợp nhất với bạn, căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn, như các yếu tố nguy cơ tim mạch, các bệnh lý mắc kèm hay có sự tổn thương các cơ quan như suy thận, suy tim, dày thất trái… Thí dụ, bác sĩ chọn một thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II để giúp bạn kiểm soát huyết áp và bảo vệ thận khỏi tác hại bởi bệnh lý kèm theo.
Mọi sự thay đổi khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp phải hỏi ý kiến của bác sĩ và thay đổi như thế nào là thuộc thẩm quyền của bác sĩ điều trị, bởi lẽ nếu tự ý thay đổi thuốc có thể bị gây độc hại do thuốc hoặc bệnh tăng nặng hơn đến mức nguy hiểm.
Bình luận (0)