Làm sao để làn da vẫn khỏe đẹp dù phải đeo khẩu trang hằng ngày? ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da Liễu TP HCM, có những lời khuyên về vấn đề này.
Làm sạch da hằng ngày
Ưu tiên chọn lựa các sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ, không chứa hương liệu, không chứa cồn và không gây bào mòn da.
Lưu ý cần rửa mặt đúng cách theo các bước: Trước hết làm ướt bằng nước ấm, tránh rửa với nước quá nóng sẽ gây khô da. Sau đó, dùng phần lòng các đầu ngón tay bôi sữa rửa và chà xát thật nhẹ nhàng trên mặt. Không dùng khăn vải, miếng bọt biển hay các dụng cụ rửa mặt… vì sẽ làm tăng nguy cơ gây kích ứng da. Cuối cùng, rửa mặt sạch lại lần nữa bằng nước ấm và lau khô bằng khăn mềm.
Việc làm sạch da khi đeo khẩu trang là cần thiết nhưng không nên làm sạch quá mức, vì sẽ làm mất đi các lớp dầu cần thiết trên da, dẫn đến tuyến dầu bị kích thích sản xuất quá mức gây mụn trứng cá. Do đó, nếu muốn rửa mặt nhiều hơn 2 lần mỗi ngày, nên sử dụng sữa rửa mặt 2 lần, còn lại chỉ rửa bằng nước sạch.
Dưỡng ẩm da trước khi đeo khẩu trang
Việc đeo khẩu trang nhiều thường làm da khô. Do đó bôi kem dưỡng ẩm trước khi mang khẩu trang và sau khi tháo ra là điều rất cần thiết. Một số thành phần dưỡng ẩm có thể chọn lựa như ceramide, acid hyaluronic, dimethicone… và nên bôi ngay sau khi rửa mặt sạch.
Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ nổi mụn trứng cá do đeo khẩu trang hằng ngày, cần lưu ý chọn dạng chế phẩm phù hợp với từng loại da. Ví dụ như da nhờn hoặc da đang có mụn ưu tiên chọn dạng gel, với da thường hoặc da hỗn hợp thì có thể chọn dạng lotion, còn nếu da khô hoặc rất khô thì nên chọn dạng cream.
Mang khẩu trang đúng cách vừa phòng dịch vừa bảo vệ da mặt
Để dưỡng ẩm cho vùng môi có thể chọn sáp petroleum jelly bôi môi trước khi mang khẩu trang và lặp lại nhiều lần nếu môi quá khô và nứt nẻ. Lưu ý không để sáp lan vào vùng da xung quanh sẽ gây nổi mụn trứng cá.
Hạn chế trang điểm khi đeo khẩu trang
Việc đeo khẩu trang thường xuyên sẽ tạo môi trường nóng ẩm, dễ gây bít tắc lỗ nang lông, do đó nên hạn chế trang điểm. Nếu cần thiết phải trang điểm, hãy chọn các các sản phẩm không gây mụn trứng cá, trên sản phẩm thường có dòng chữ "non-comedogenic" (không chứa các thành gây bít tắc lỗ chân lông), "non-oily" (không nhờn dính) hoặc "non-acnegenic" (không gây mụn).
Tốt nhất là nên trang điểm nhẹ nhàng để tránh gây bít tắc lỗ nang lông, các lớp trang điểm càng mỏng càng tốt. Nếu da bạn không có nhiều khuyết điểm cần che phủ, có thể chọn kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng có màu để thay thế cho lớp kem nền.
Chọn lựa và mang khẩu trang đúng cách
Để hạn chế các vấn đề về da do đeo khẩu trang thường xuyên, cần chọn loại khẩu trang vừa vặn, thoải mái, che kín được toàn bộ phần mũi, má và cằm. Ưu tiên chọn chất liệu mềm, tự nhiên và thoáng khí. Nếu da đổ dầu nhiều hoặc đang có mụn trứng cá thì khẩu trang có lớp lót cotton là chọn lựa phù hợp. Tránh dùng các loại vải tổng hợp như nylon, polyester và rayon do các thành phần này có thể gây kích ứng da và sinh nhân mụn. Đồng thời, để tránh khó chịu cho vùng tai đeo, hãy chọn các loại khẩu trang có dây đeo khác nhau và nên thay đổi mỗi ngày một loại.
Ngoài ra, nếu có thể, cứ mỗi 4 giờ mang khẩu trang thì tháo bỏ chúng ra khoảng 15 phút. Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta chỉ được tháo bỏ khẩu trang khi đã vệ sinh tay, tháo đúng cách, môi trường xung quanh an toàn như giữ khoảng cách với người khác tối thiểu 2 mét, ở trong xe hơi (khi ở một mình) và khi ở nhà.
Vệ sinh khẩu trang thường xuyên
Hãy tuân thủ hướng dẫn giặt sạch của từng loại khẩu trang theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc giặt sạch còn giúp loại bỏ dầu và các tế bào chết bám trên đó. Ưu tiên giặt bằng nước nóng và chọn sản phẩm bột giặt có dán nhãn không chứa hương liệu (fragrance-free) và có tính gây dị ứng thấp (hypoallergenic).
Sở Y tế TP HCM yêu cầu hàng loạt vấn đề về chống dịch trong tình hình mới
Giám đốc Sở Y tế TP HCM, GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, vừa yêu cầu Phòng Nghiệp vụ y phối hợp với các phòng chức năng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ khu cách ly tại khách sạn; xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19; tiếp tục tầm soát tại bệnh viện và trong cộng đồng với những người có nguy cơ cao như tài xế, tiểu thương chợ đầu mối, nhân viên nhà hàng... để có thể phát hiện sớm trường hợp nguy cơ.
Sở Y tế TP HCM cũng đề nghị các phòng chức năng trong việc thực hiện sáp nhập Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), phải tiến hành theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Cần rà soát lại cơ sở vật chất của các đơn vị sáp nhập HCDC cũng như tình hình hoạt động, đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Ngoài ra, Sở Y tế TP giao Phòng Nghiệp vụ dược tiếp tục trình phê duyệt lựa chọn nhà thầu mua thuốc bổ sung cho bệnh viện; tiếp tục giám sát, kiểm tra hoạt động của khoa dược các bệnh viện; tiến hành thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu tập trung năm 2020-2022 và các gói thầu riêng lẻ 2020-2021 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bình luận (0)