Chiều 31-7, Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về trường hợp bệnh nhân tử vong: Bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, ở tại Phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn, đã chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trên 10 năm, tăng HA - suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ngày 9-7-2020, bệnh nhân thấy tức ngực, mệt, nên nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán:
Bệnh thận giai đoạn cuối / Thận nhân tạo / Tăng huyết áp / Bệnh tim thiếu máu cục bộ / Suy tim giai đoạn cuối/ Viêm phổi. Bệnh nhân được nhập viện điều trị tại khoa Nội – Tiết niệu.
Ngày 26-7-2020, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng.
5 giờ 30 ngày 30-7-2020, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy VCV, được tiến hành lọc máu tĩnh mạch – tĩnh mạch liên tục.
7 giờ 30 ngày 30-7-2020, bệnh nhân xuất hiện nhịp tim rời rạc chậm dần, xuất hiện ngừng tim, tiến hành cấp cứu ngừng tim 5 phút có tim trở lại. Bệnh nhân được điều trị lọc máu tĩnh mạch liên tục.
21 giờ 45 ngày 30-7-2020, bệnh nhân được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế, trên đường vận chuyển mang theo monitor theo dõi và các thiết bị hồi sức cấp cứu đầy đủ.
0 giờ 25 ngày 31-7-2020, bệnh nhân nhập Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao. Sau đó 5 phút, bệnh nhân xuất hiện nhịp tim chậm được cấp cứu và chỉ định thở máy tại ICU. Sau 5 phút mất mạch, được cấp cứu hồi sức thì mạch xuất hiện và huyết áp tăng trở lại 190 – 200 mmHg, 30 phút sau huyết áp xuống 140 - 110/70 mmHg.
Rạng sáng ngày 31-7-2020 bệnh nhân xuất hiện ngừng tim, được cấp cứu tại chỗ, nhưng đã tử vong lúc 5 giờ 30 ngày 31-7-2020.
Tiểu ban Điều trị đánh giá đây là trường hợp bệnh nhân rất nặng, cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nặng, đã được hội chẩn nhiều lần của Tiểu ban điều trị và các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm; được Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, hồi sức tích cực, cấp cứu liên tục, nhưng đã tử vong.
Nguyên nhân tử vong: Nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân có bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, biến chứng: suy hô hấp do suy tim và Covid-19.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 509 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, ổ dịch Đà Nẵng ghi nhận 80 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 8 nhân viên y tế, 44 bệnh nhân, 26 người nhà bệnh nhân và 2 ca được phát hiện tại cộng đồng (ca bệnh 420, 434). Riêng ngày 31-7, Việt Nam ghi nhận thêm 45 trường hợp, các bệnh nhân này đã được cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm trước đó.
Việt Nam ghi nhận ca bệnh mắc Covid-19 đầu tiên tử vong - Ảnh minh hoạ
Trước đó, Bộ Y tế công bố đã ghi nhận nhiều ca bệnh diễn biến nặng, nguy kịch trong đợt dịch mới này. Hiện có hai bệnh nhân khác đang phải can thiệp ECMO (tim phổi ngoài cơ thể).
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong giai đoạn này, đã có những bệnh nhân Covid-19 trên nền bệnh mãn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, hoặc thở oxy…
"Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại, vì những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng sẽ không chỉ bị duy nhất bệnh này, mà còn kèm theo các bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều" – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Một chuyên gia về lão khoa cho hay, sức đề kháng của nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền thường giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.
Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.
Bình luận (0)