Tại hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh/thành phố ngày 16-7, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trên cơ sở phân tích hơn 9.400 bệnh nhân Covid-19 trên tổng số hơn 32.000 bệnh nhân đang điều trị tại đợt dịch lần này, Tiểu ban điều trị nhận thấy tỉ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn chiếm trên 80%; số ca thở oxy gọng kính chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%
"Có từ 10-20% bệnh nhân từ trung bình diễn biến nặng. Tuy nhiên, do số lượng ca mắc mới liên tục tăng nên con số này tăng nhanh. Ngoài ra, tại thời điểm này, số tử vong do Covid-19 chiếm tỉ lệ 0,55%"- ông Khuê thông tin.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh
PGS Khuê cũng cho biết hiện Bộ Y tế đang xây dựng lập kế hoạch để có thể thu dung, tiếp nhận 100.000 bệnh nhân Covid-19 và đẩy mạnh năng lực của các bệnh viện vùng.
Nguyên tắc điều trị hiện nay vẫn là "4 tại chỗ", phân tầng điều trị theo diễn biến bệnh để tránh quá tải. Đồng thời, các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong. "Tất cả các khu vực điều trị đều cần oxy, khu vực điều trị bệnh nhân nhẹ cũng phải chuẩn bị sẵn oxy phòng trường hợp bệnh nhân nhẹ nhưng có bệnh nền nên dễ chuyển nặng. Các tỉnh bố trí tối thiểu ở bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống oxy trung tâm để đảm bảo thở mặt nạ, thở oxy dòng cao"- PGS Khuê lưu ý.
Theo Bộ Y tế, hiện tổng lượng oxy vẫn đảm bảo nhưng một số nơi phải tăng điều phối, xây dựng lại phương án. Một số địa phương có nguy cơ thiếu oxy nếu dịch xảy ra cục bộ.
PGS Khuê cho biết để giảm tải cho các cơ sở điều trị, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ mới cho phép xuất viện sau 10 ngày nếu không có triệu chứng và âm tính 2 lần liên tiếp cách nhau tối thiểu 24 giờ hoặc nồng độ virus thấp. Trong khi trước đây, quy định chung là phải điều trị ít nhất 14 ngày với tất cả bệnh nhân và chỉ xuất viện sau 2 lần âm tính.
"Đối với những bệnh nhân sau 10 ngày nhập viện không có triệu chứng, đồng thời có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện về nhà vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày"- PGS Khuê khuyến cáo.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân
Ngoài ra, trong phác đồ điều trị mới nhất, Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế sử dụng thuốc chống đông máu corticoid sớm trên các bệnh nhân có diễn biến trung bình ngay cả khi không làm được xét nghiệm đông máu, đồng thời có thể xem xét sử dụng kháng thể đơn dòng với bệnh nhân nặng khi Hội đồng chuyên môn cho phép.
Cùng đó, lần đầu tiên Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19. Xuyên tâm liên còn có tên là công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, cỏ đắng, cỏ Ấn Độ… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Xuyên tâm liên được coi như một loại kháng sinh thực vật và được sử dụng để điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm, cảm cúm thông thường...
"Đây là phương thuốc rất kinh điển trong những năm đất nước còn nghèo khó, từng dùng để chữa bách bệnh. Vừa qua, một số nước đã đưa vào điều trị và cũng thấy hiệu quả nên chúng ta có thể đưa vào điều trị trên những bệnh nhân ít triệu chứng, thể nhẹ kết hợp cùng nâng cao thể trạng, dinh dưỡng. Ngoài ra, các trường hợp F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi cũng có thể xem xét sử dụng vị thuốc này"- PGS Khuê nói.
Xuyên tâm liên được coi như một loại kháng sinh thực vật - Ảnh: Internet
Cũng liên quan đến thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia về thuốc đông y xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong điều trị Covid-19.
Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng trong thời gian qua. Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị Covid-19 như: Remdesivir, Favipiravir... Đây cũng là những loại thuốc đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Bộ Y tế đã giao Cục Y dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng nhất định, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.
Ông Cường cho biết Việt Nam đang có khoảng 20 đơn hàng với nhiều loại thuốc khác nhau nhập khẩu từ nước ngoài để sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị, cơ sở y tế điều trị Covid-19. Bộ Y tế sẽ xin nhập khẩu và đề nghị cấp phép nhanh nhất cho các loại thuốc này.
Bình luận (0)