Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng bất thường. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 11 trường hợp tử vong do SXH. Giới chuyên môn cảnh báo diễn biến của SXH còn phức tạp do mùa mưa kéo dài, nguồn gây bệnh chưa bị khống chế triệt để.
Tồn tại nhiều “điểm đen”
Theo Bộ Y tế, năm nay, SXH hoành hành từ rất sớm và sẽ kéo dài đến tháng 10. Hiện số người mắc vẫn tăng nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Nam như Khánh Hòa, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…
Riêng tại Hà Nội, trong 1 tháng gần đây có gần 360 ca mắc SXH, trong khi cả 5 tháng trước đó cộng lại chỉ 168 ca. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết dịch SXH xảy ra chủ yếu ở các quận - huyện Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Trì. Đây là những quận - huyện dân cư đông, nhiều hộ tích trữ nước mưa, có nhiều khoảng đất trống để dụng cụ phế thải đọng nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản.
Tại TP HCM, trong tuần đầu tháng 8-2015 đã có hơn 300 trường hợp nhập viện do mắc SXH, cao hơn 34% so với trung bình 4 tuần trước đó. Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP có hơn 6.400 ca mắc SXH nhập viện, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, nhiều “điểm đen” SXH tồn tại lâu nay chưa giảm thì giờ tiếp tục gia tăng ở các quận - huyện: 8, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp.
Tại các bệnh viện nhi, những ngày qua, số trẻ nhập viện điều trị SXH tăng cao, trung bình mỗi ngày có 80-90 trường hợp, trong khi những tháng trước chỉ 30-40 ca. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, Nam Bộ đang vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để SXH phát triển mạnh. Chưa kể vào mùa tựu trường, dịch SXH xảy ra dẫn đến nguy cơ lây lan rộng trong trường học.
Không để xảy ra dịch lớn
Lý giải tình trạng dịch SXH diễn biến dai dẳng, không khống chế triệt để được, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng thời tiết thất thường cộng với tập quán tích trữ nước của người dân khiến việc loại bỏ hoàn toàn các ổ lăng quăng - mầm mống của dịch SXH - rất khó khăn. “Năm nào cũng tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra mới khống chế dịch ở mức này, nếu không sẽ bùng phát lớn ở nhiều địa phương” - ông lo ngại.
Theo ông Phu, một số nơi dù được phun hóa chất trên diện rộng nhưng qua giám sát vẫn có lăng quăng sinh sống ở các dụng cụ chứa nước. Điều đó cho thấy chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường và phun hóa chất chưa hiệu quả.
“Dù ngành y tế đã nỗ lực tuyên truyền song một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng vẫn chưa thông. Nhiều gia đình vẫn không cho nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi trong nhà mình. Nếu người dân không hợp tác trong việc diệt lăng quăng thì càng chống, SXH càng tăng” - ông Phu băn khoăn.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập nhiều đoàn kiểm tra phòng chống dịch SXH trên quy mô toàn quốc.
Tại TP HCM, lãnh đạo TP ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành y tế quyết liệt triển khai phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này từ nay đến cuối năm; khống chế, không để xảy ra dịch lớn. Trong tháng 8, Sở Y tế TP HCM phải tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi, tuyên truyền kiến thức về phòng chống SXH cho cộng đồng tại tất cả các phường - xã.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cũng kêu gọi toàn dân dành từ 10 đến 15 phút mỗi tuần để thu dọn các vật phế thải, dụng cụ chứa nước không sử dụng đến; thực hiện các biện pháp tìm diệt lăng quăng trong nhà và xung quanh nhà vào mỗi thứ bảy và chủ nhật với phương châm “Không có lăng quăng, không có muỗi sẽ không có bệnh SXH”.
Việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng chống và xử lý các ổ dịch SXH. Vì vậy, các chuyên gia khuyên người dân phối hợp với các đơn vị y tế khi tiến hành phun thuốc diệt muỗi thì bảo đảm thuốc được phun trong tất cả các hộ gia đình, trong tất cả các tầng nhà; tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ tầng dưới lên tầng trên.
Dễ chết do chủ quan
Các chuyên gia cho biết muỗi gây bệnh SXH nguy hiểm bởi chúng mang mầm bệnh đi gieo rắc khắp nơi. Người mắc bệnh này thì có thể mắc lại và lần sau nặng hơn lần trước. Người lớn mắc SXH thường chủ quan vì dễ nhầm với các triệu chứng bệnh lý về đường hô hấp.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận một số bệnh nhân mắc SXH nhập viện muộn vì tưởng nhầm bị sốt virus hoặc sốt phát ban... Nhiều trường hợp SXH rơi vào tình trạng sốc, trụy mạch, suy đa phủ tạng hoặc xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Bình luận (0)