- Chuyên gia dinh dưỡng ĐINH THỊ NGỌC SƯƠNG, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), trả lời: Ăn dặm là quá trình trẻ chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn từ sữa mẹ, sữa công thức sang chế độ ăn kết hợp với các loại thức ăn thô khác như bột, cháo, rau củ… Ăn dặm khoa học và hợp lý sẽ giúp trẻ dễ hấp thu đủ dưỡng chất và phát triển toàn diện.
Một số sai lầm thường mắc khi cho con ăn dặm. Đầu tiên là cho trẻ ăn dặm quá sớm. Điều này làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Do đó, thời điểm thích hợp nhất cho trẻ ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.
Sai lầm thứ hai là cho trẻ ăn ít rau củ hay lựa chọn rau củ chưa phù hợp. Nếu ăn ít rau củ quả sẽ không cung cấp đủ chất xơ, vitamin hoặc chỉ chọn một vài loại như hạt đậu, cà rốt, bí đỏ cho ăn thường xuyên sẽ gây đơn điệu mùi vị và nhàm chán cho trẻ. Trong khi đó có những loại rau có lá màu xanh sẫm rất tốt cho trẻ. Nên phối hợp đa dạng các loại rau củ để bữa ăn của trẻ luôn thay đổi mùi vị, hấp dẫn. Cũng không nên hầm rau củ quá lâu hay lưu giữ lâu trong tủ lạnh gây mất chất dinh dưỡng và dễ bị nhiễm khuẩn thức ăn trong quá trình bảo quản.
Sai lầm thứ ba là nhiều người nghĩ cho con ăn nhiều thịt, cá, trứng… sẽ giúp con mau lớn, tăng cân nhanh. Tuy nhiên, lượng đạm quá nhiều không những có thể làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ.
Sai lầm thứ tư là cho ăn nước mà không ăn cái khi hầm xương, hầm rau củ, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi hoặc sợ trẻ ăn bị mắc cổ. Cách làm này dẫn tới mất đi lượng lớn chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Cuối cùng khi xay nhuyễn mọi thức ăn sẽ khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng. Từ đó, không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán…
Bình luận (0)