Đưa đứa con trai hơn 1 tuổi khá gầy guộc đến khám tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, chị Ng.Tr.X - ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM - than thở: “Con tôi sinh ra bị non mấy tuần, chỉ có 2,3 kg, yếu lắm nên từ đó đến giờ, cháu cứ bị bệnh suốt, ăn uống mấy cũng cứ gầy. Con thì như thế, còn mẹ từ khi mang thai đến giờ không xuống cân được, cứ ở mốc gần 70 kg, ai thấy cũng quở... Thực ra, tôi có muốn thế đâu, hồi mang thai “đầu tư” nhiều lắm đấy chứ!”.
Khoản “đầu tư” phản tác dụng
Trước đó, trong quá trình mang thai, chị X. rất quan tâm đến sự phát triển của em bé. Được mẹ ruột và mẹ chồng nấu cho nhiều món ngon để bồi bổ “cháu đích tôn” tương lai, chị X. có khẩu phần rất đa dạng trong suốt thai kỳ. Nhưng chị không ngờ chính việc bồi bổ quá đà đã khiến hai mẹ con đối diện với thai kỳ đầy nguy cơ. “Mang thai đến tháng thứ 7, tôi ngưng khám ở phòng mạch gần nhà và đến thẳng BV Từ Dũ để thăm thai bởi dự định sinh tại đây. Lần khám đầu, vị nữ bác sĩ nói rằng mới tháng thứ 7 mà tôi đã tăng 19 kg là quá nhiều, sẽ nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Cũng lần khám đó, tôi phát hiện mình bị cao huyết áp thai kỳ” - chị X. cho biết.
Hơn 1 tháng sau, chị X. “lâm bồn”, suýt nguy vì sản giật, cháu bé vừa sinh đã phải chuyển ngay đến khoa dưỡng nhi vì nhẹ cân và yếu.
BS Dương Phương Mai, Phó Giám đốc Y khoa BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, cho biết bà thường xuyên gặp những bà bầu béo phì như thế, có người khi vào viện sinh, cân nặng đã ngót trăm ký vì vốn đã thừa cân sẵn, khi mang thai lại tăng quá nhiều. “Có người tăng cân do lúc mang thai hay thèm ăn, nhất là thèm ngọt. Có người thì cố gắng ăn để bồi bổ nhưng lại ăn quá mức nên tăng trên cả 20 kg” - BS Mai giải thích.
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ, cho biết ông cũng tiếp xúc không ít thai phụ gặp rắc rối trong thai kỳ bởi số cân tăng thêm lên đến 25 kg, thậm chí 30 kg. Ông nhấn mạnh: “Một người bình thường, đang khỏe mạnh mà mỗi tháng tăng lên 2-4 kg đã nguy hiểm, huống gì một phụ nữ đang mang thai”. Hầu hết các thai phụ có cân nặng quá khổ này đều phải trải qua một thai kỳ với nhiều bệnh lý, một ca sinh có nguy cơ tai biến cao và một đứa bé khi sinh ra có cân nặng bất hợp lý và nhiều nguy cơ bệnh tật đi kèm.
Nguy cho cả mẹ lẫn con
“Việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ dễ khiến thai phụ gặp các vấn đề về tim, phổi, cao huyết áp thai kỳ, rối loạn chuyển hóa...Nhiều người cứ nghĩ ăn nhiều là để dưỡng thai, để cho con to nhưng thực ra ý nghĩa đúng của “dưỡng” vẫn là chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, giúp cho sự tuần hoàn, trao đổi chất mẹ - con được đầy đủ nhất thì mới thực sự tốt cho em bé. Dù ăn đến mức độ nào thì trong cơ thể người luôn có những hằng số sinh học, quá mức thì cũng bị đào thải ra ngoài chứ không phải cứ ăn vô là vào hết thai. Nếu ăn quá nhiều, cơ thể không đủ sức đào thải sẽ thành bệnh lý, ví dụ làm đường huyết tăng lên thì bị tiểu đường” - BS Hải phân tích.
Về việc em bé của những bà bầu béo phì thường xuyên có cân nặng bất hợp lý, BS Mai giải thích: “Trường hợp đầu tiên có thể xảy ra là em bé bị to quá mức. To quá nếu sinh thường thì sẽ bị sang chấn, còn nếu sinh mổ - nhất là khi bà mẹ quá cân hay bị tiểu đường, cao huyết áp thai kỳ - thì người mẹ sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ như mọi bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp khác khi phẫu thuật. Những em bé “quá khổ” này cũng có nguy cơ sớm mắc các bệnh lý về chuyển hóa, thậm chí là ngay từ giai đoạn sơ sinh và nhiều bé to con nhưng thực ra cũng không khỏe. Ngược lại, nhiều cháu bé khác lại suy dinh dưỡng, phần vì mẹ ăn nhiều nhưng không cân đối các thành phần nên vẫn thiếu dinh dưỡng (chỉ ăn ngọt hoặc chỉ ăn mặn...), phần vì bệnh lý, ví dụ như huyết áp thất thường, khiến dinh dưỡng qua nhau thai không ổn định và ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé”.
Ăn đủ chất và tăng cân có kiểm soát
Theo BS Dương Phương Mai, một người có chỉ số cơ thể (BMI) ở mức bình thường thì mức tăng cân hợp lý là khoảng 3 kg vào 3 tháng đầu thai kỳ, 6 kg vào 3 tháng giữa và 3 kg vào 3 tháng cuối; khẩu phần ăn nên đủ thành phần như bột đường, đạm, chất xơ, chất béo... Nếu trước khi mang thai mà thể trạng quá gầy hoặc thừa cân thì nên nhờ bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống và kiểm soát cân nặng. Trường hợp lỡ tăng cân quá nhiều, thai phụ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cân bằng lại chế độ ăn, tuyệt đối không tự tiện ăn kiêng hoặc cố làm giảm cân khi đang mang thai, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé, nhất là về não bộ cho dù đã vào giai đoạn cuối thai kỳ.
Bình luận (0)