Vụ việc trao nhầm con ở Hà Nội vừa qua khiến nhiều người sắp làm mẹ lo lắng. "Mình vừa có thai lần đầu, đọc báo thấy trường hợp đó cũng lo. Mình thấy trẻ sơ sinh mặt mũi giống nhau, mình định đi sinh ở bệnh viện lớn như Từ Dũ hay Hùng Vương nhưng nghe nói mỗi ngày mấy nơi đó có mấy trăm bé sinh ra, không biết họ có cách nào tránh nhầm không?" – chị Ng.T.L. (27 tuổi) thắc mắc.
Hai ca mổ sinh ở Bệnh viện Từ Dũ: 2 người mẹ còn nằm trong phòng mổ, đang trong giai đoạn đóng bụng, khâu vết mổ, 2 cặp song sinh đã được lau sạch, viết tên lên đùi, đeo lắc ghi thông tin, mặc quần áo, quấn khăn màu theo giới tính và nằm sưởi với hồ sơ đặt bên cạnh - ảnh: ANH THƯ
Trả lời câu hỏi trên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết việc đánh dấu trẻ sơ sinh để tránh nhầm lẫn là bắt buộc, cơ sở y tế nào cũng phải làm.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi em bé ra đời đều mang trên mình 2-3 "mốc đánh dấu" rất rõ ràng. Đây cũng là quy trình hầu như đơn vị sản khoa nào cũng phải áp dụng. Nhiều năm trước, khi ngành y tế chưa áp dụng quy trình "da kề da" (đặt em bé da kề da trên ngực mẹ ngay sau sinh, trừ trường hợp mẹ bị gây mê), mỗi trẻ có tới 3 mốc đánh dấu.
Đầu tiên khi vừa ra khỏi cơ thể mẹ, em bé được lau và dán ngay tại chỗ một miếng băng keo ghi thông tin. Đến khi chuyển ra phòng hồi sức sơ sinh để kiểm tra trước khi về lại với mẹ, bé tiếp tục được viết thông tin trực tiếp lên đùi, bằng mực vô trùng. Thông tin này bao gồm tên tuổi mẹ, số hồ sơ nhập viện.
Sau đó, mỗi bé được đeo một lắc tay hoặc lắc chân: con trai màu xanh, con gái màu đỏ, trên lắc này cũng ghi thông tin của bé. Sau các công đoạn này, em bé đều được đưa cho mẹ kiểm tra.
Hiện nay, vì áp dụng da kề da, bé vừa ra đời đã được bỏ ngay lên ngực mẹ nên việc dán băng keo ban đầu có thể bỏ. Tuy nhiên, các bé vẫn được viết thông tin lên đùi tại chỗ sau khi da kề da và đeo lắc tay suốt thời gian nằm viện.
Bác sĩ Mỹ Nhi nhấn mạnh rằng loại mực ghi thông tin lên đùi bé hoàn toàn an toàn với trẻ sơ sinh và rất lâu phai. Cho dù bé được tắm thường xuyên thì ít nhất vài ngày mực mới phai, nhiều em bé đến lúc cùng mẹ về nhà thông tin vẫn còn in rõ trên đùi. Loại lắc tay, chân các bé đeo cũng rất chắc chắn và không sợ rơi ra. Bà cũng khuyên các bà mẹ khi nhân viên y tế đưa con cho mình kiểm tra, nên chú ý các chi tiết này và báo ngay nếu có gì bất thường, ví dụ như màu lắc tay không đúng với giới tính của con mình chẳng hạn.
"Tôi nghĩ rằng ngày nay với quy trình da kề da, em bé được đưa cho mẹ ngay khi vừa ra đời thì khả năng nhầm lẫn sẽ không còn nữa và với các bước đánh dấu kỹ càng tôi kể trên, sản phụ không nên quá lo lắng" - bà nói.
Bình luận (0)