Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (TP Hà Nội) liên tục tiếp nhận 6 trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải thở máy, đặc biệt 2 bé tổn thương phổi nặng, suy hô hấp. Ca nặng nhất là bé trai 1 ngày tuổi (ở Thái Bình), con thứ hai trong gia đình.
Những câu chuyện đau lòng
Mẹ bé này lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên quyết định sinh mổ chủ động khi thai nhi được 37 tuần. Sau sinh, bé được hỗ trợ thở qua mũi, tuy nhiên tình trạng suy hô hấp tiến triển, được đặt nội khí quản chuyển đến Trung tâm Sơ sinh - BV Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhi được điều trị tích cực, bơm thuốc vào phổi hỗ trợ hô hấp kết hợp vận mạch, trợ tim liên tục mới qua được nguy hiểm sau một tuần cứu chữa.
Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp mẹ có bệnh lý và thai không cho phép đẻ thường. Một trường hợp buộc phải mổ lấy thai tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) .Ảnh: HẢI YẾN
Một bé trai sơ sinh khác ở Nam Định cũng nhập viện sau khi đẻ mổ chủ động tại BV địa phương ở tuần thai thứ 36. Thai phụ nằm theo dõi thai kỳ trong một tuần chưa có cơn chuyển dạ nhưng gia đình lo lắng và mong muốn sinh mổ. Sau sinh, bé bị suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển đến BV Nhi Trung ương trong tình trạng tím tái, ôxy trong máu giảm sâu, suy tuần hoàn. Bệnh nhi được thở máy tần số cao, duy trì thuốc trợ tim, vận mạch, thuốc giãn mạch phổi song tình trạng không cải thiện, tử vong sau 3 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, Khoa Điều trị tích cực sơ sinh Trung tâm Sơ sinh - BV Nhi Trung ương, cho biết sinh con tự nhiên là phương pháp sinh lý và tốt nhất cho mẹ và thai. Mổ lấy thai nên thực hiện trong trường hợp mẹ có bệnh lý và thai không cho phép đẻ thường. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng mổ đẻ khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ đẹp trở nên phổ biến. Trong đẻ thường, tử cung liên tục co làm ảnh hưởng quá trình trao đổi khí của bánh nhau gây tình trạng giảm ôxy của thai nhi, do đó phế nang phải được thông khí và máu qua phổi được tăng cường. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dạ kích thích tăng sản xuất adrenalin của thai nhi và tăng giải phóng hormone thyrotropin của bà mẹ, là bước chuẩn bị để phổi bắt đầu thực hiện chức năng hô hấp. Ở trẻ đẻ mổ chủ động không có quá trình này dẫn đến phổi trẻ khi sinh ra chứa nhiều dịch hơn, dễ bị mắc các vấn đề hô hấp sau sinh.
"Trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí phải cần đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường" - bác sĩ Loan cảnh báo.
Nên chọn giải pháp phù hợp
GS-TS-BS Trần Danh Cường, nguyên Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho biết mỗi năm nơi đây có hơn 20.000 ca sinh, trong đó hơn phân nửa là đẻ mổ. Đây là tuyến cuối về sản phụ khoa ở miền Bắc nên lượng bệnh khá đông vì ở nhiều địa phương khác chuyển về. Có những trường hợp dọa đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm, thai chậm phát triển trong tử cung, thai phụ bị tiền sản giật, nhau cài răng lược... bắt buộc phải mổ lấy thai. Ngoài yếu tố bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi thì tình trạng chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao. Nhiều gia đình mong muốn sinh con theo giờ, theo ngày đã được lựa chọn trước.
Theo thạc sĩ Trần Thị Ngọc, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Từ Dũ (TP HCM), sinh mổ có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về khách quan, do xã hội ngày phát triển, thai phụ có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, dịch vụ y tế, được thăm khám thai định kỳ và được phát hiện sớm các trường hợp cần can thiệp sinh mổ. Đối với nguyên nhân chủ quan, do phụ nữ kết hôn muộn tăng, tỉ lệ sinh con giảm. Mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con nên sản phụ và gia đình muốn sinh con theo ngày giờ. Bên cạnh đó, tâm lý ngại sinh con theo ngả tự nhiên qua âm đạo.
Các chuyên gia cảnh báo sinh mổ cả mẹ và bé có thể gặp nhiều nguy cơ hơn sinh thường. Người mẹ sinh thường không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tê màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ. Sau sinh, mẹ sinh thường có sữa nhiều do trong quá trình chuyển dạ sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết. Ngoài ra, thời gian hồi phục của sản phụ sau đẻ thường sẽ ngắn hơn. Em bé sinh thường phải trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ nên phổi hoạt động tốt, dịch phổi trào ra khi bé lọt lòng, tránh tình trạng chậm tiêu dịch phổi. Về sau, hệ hô hấp của trẻ sẽ tốt hơn trẻ sinh mổ.
Chưa kể, phụ nữ đã trải qua mổ lấy thai, lần mang thai tiếp theo sẽ tăng nguy cơ vỡ tử cung (đặc biệt những tháng cuối thai kỳ, lúc chuyển dạ) do thành tử cung mỏng. Nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ hai lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ một lần. Khi một phụ nữ đẻ con đầu lòng bằng phương pháp mổ thì con thứ 2, thứ 3 thường phải mổ. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ đẻ mổ tăng lên.
Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ khi sinh mổ cao hơn 4 lần so với sinh ngả âm đạo. Ngoài ra, bà mẹ còn gặp những nguy cơ trong mổ lấy thai như: tai biến do gây mê, gây tê, chảy máu, nhiễm trùng sau mổ, tổn thương tiết niệu. Thời gian nằm viện ở sản phụ sinh mổ dài hơn, phục hồi sức khỏe chậm hơn, tăng chi phí chăm sóc y tế, sự chăm sóc cho bé và nuôi con bằng sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng.
"Sinh mổ khi có chỉ định về chuyên môn như: ngôi thai bất thường; thai quá to (hơn 4 kg), nhau tiền đạo; nhau cài răng lược; nhau bong non; sa dây rốn, thai suy...; do mẹ bé có khung chậu hẹp, có vết mổ cũ trên thân tử cung; mẹ bé có bệnh lý nội khoa nặng chống chỉ định với sinh ngả âm đạo…" - thạc sĩ Ngọc khuyến cáo.
Bình luận (0)