Nhân viên y tế tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. (Ảnh: Bích Ngọc)
Ngày tránh thai thế giới 2019 với chủ đề "Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai", được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế, phát động sáng 23-9, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, dân số Việt Nam hiện có hơn 96 triệu người. Mỗi năm, dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người.
Đáng lưu ý, tỉ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên/thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỉ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang hướng gia tăng. "Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có 300.000-350.000 ca phá thai. Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ có gia đình ở độ tuổi từ 15-49 thì tới 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Phá thai không an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát" - ông Tú nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới hàng năm có khoảng 80 triệu ca mang thai ngoài ý muốn
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn trên thế giới, cứ mỗi 8 phút lại có 1 ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hàng năm, có khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó có 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai; 20-22 triệu ca phá thai không an toàn; có tới 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn (chiếm 13%). Mỗi năm, thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn và hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích như chủ động sinh con, tránh những tai biến sản khoa và không bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bình luận (0)