Ngày 30-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị Chuyển đổi số y tế do Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã bấm nút chính thức khai trương 3 nền tảng: Mạng kết nối y tế Việt Nam, Hồ sơ sức khỏe cá nhân, Quản lý thông tin y tế cơ sở V20.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không chỉ bây giờ mà từ nhiều năm trước, ngành y tế đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và rất nhiều việc ngành theo đuổi đã có kết quả rõ hơn. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, muốn tận dụng lợi thế của cuộc các mạng công nghệ 4.0, ngành y tế "phải quyết tâm hơn nữa, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đồng thời cần nhận thức CNTT là công cụ hữu hiệu, không thể thiếu trong phòng bệnh, khám chữa bệnh".
Khai trương hai nền tảng quan trọng của ngành y tế gồm Mạng kết nối y tế Việt Nam và Hồ sơ sức khỏe cá nhân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay mục tiêu cao nhất của chuyển đổi số trong y tế là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phục vụ cho chính nhu cầu thiết thực nhất của người dân, nhưng một mục tiêu cụ thể rất quan trọng, thiết thực của chuyển đổi số trong y tế chính là để phục vụ cho việc quản lý, quản trị.
"Mơ ước từ rất lâu của người dân Việt Nam là muốn mình được quản lý sức khoẻ, hay nói cách khác là lúc nào cũng có bác sĩ riêng. Qua việc mỗi người dân được lập hồ sơ sức khoẻ, được quản lý tốt hồ sơ đó thì coi như mỗi người dân sẽ được cả hệ thống y tế theo dõi quản lý. Đó là một mục tiêu, mơ ước nhưng không hề viển vông, duy ý chí mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính vì thế, chuyển đổi số y tế đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Với những ứng dụng công nghệ hiện đại được tích hợp trên điện thoại thông minh, điển hình là nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, người dân sẽ không phải lo lắng xếp hàng dài ở bệnh viện để chờ khám bệnh mà ngay lập tức sẽ được các bác sĩ tư vấn sức khoẻ trực tuyến. Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số y tế là chăm sóc sức khoẻ cho người dân trong điều kiện chưa có nhiều kinh phí. Người dân phải biết tự phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, đồng thời, được tư vấn tự động bằng chatbot để phòng bệnh.
Tới đây, trong lĩnh vực y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ triển khai sáng kiến “mỗi người dân có một bác sĩ riêng”, với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như bác sĩ riêng.
Bộ trưởng Bộ Y tế và các đại biểu thăm các gian hành về chuyển đổi số trưng bày tại hội nghị
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, năm 2020 dù phải chống dịch Covid-19 nhưng ngành y tế vẫn nỗ lực chuyển đổi số, bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định ngành y tế không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới mục tiêu chính quan trọng nhất phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp với cơ quan chức năng tạo lập được 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân với 42 mẫu bệnh án điều trị ngoại trú, áp dụng cho toàn bộ tuyến xã, huyện. Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu từ 1-7-2021, tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc đều áp dụng hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân và không sử dụng giấy trong khám, chữa bệnh, điều trị ngoại trú; hướng đến nền y tế không giấy tờ. "Cán bộ y tế dành nhiều thời gian cho công tác khám chữa bệnh chứ không dành thời gian cho viết hồ sơ giấy" - ông Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết có trạm y tế xã có tới 78 quyển sổ, xã ít nhất cũng trên 30 quyển, mỗi ngày cán bộ y tế mất 75% thời gian trong ngày để ghi chép, chỉ có 25% thời gian dùng vào việc chuyên môn. Khi triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20, Bộ Y tế sẽ điều hành gần 11.000 trạm y tế xã, từng bước xóa bỏ tình trạng hồ sơ giấy.
Các trạm y tế xã sẽ sử dụng 1 phần mềm duy nhất, tích hợp các phần đơn lẻ, thông tin sẽ được tích hợp đưa tới cơ quan quản lý là Bộ Y tế. Qua phần mềm này, Bộ Y tế sẽ biết tường tận các trạm y tế xã triển khai và thực hiện khám bệnh a sao. Ứng dụng V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho khoảng 11.000 trạm y tế trên khắp cả nước. Cùng đó, Hệ sinh thái các nền tảng và giải pháp y tế số thông minh sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành y tế; hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, người dân tiếp cận dịch vụ y tế tiện ích hơn, thuận lợi hơn và chất lượng hơn.
Bình luận (0)