Ngày 1-2, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đã nhận được chứng nhận chuẩn chất lượng vàng từ Hội Đột quỵ châu Âu.
Để đạt được chứng nhận này, bệnh viện phải đáp ứng được 8 tiêu chí nghiêm ngặt, gồm: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trước 60 phút và trước 45 phút; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được bắt đầu can thiệp mạch máu não trước 120 phút và trước 90 phút; tỷ lệ tái thông được mạch máu bị nghẽn tắc (trên tổng số bệnh nhân nhập viện); tỷ lệ bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT Scan (chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ)…
Bệnh nhân hồi phục vận động sau can thiệp lấy huyết khối
Cấp cứu đột quỵ là sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, gồm: Cấp cứu; đột quỵ; chẩn đoán hình ảnh; nội thần kinh và ngoại thần kinh. Với tiêu chí "Thời gian là não", cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là một trong những cấp cứu khẩn cấp chạy đua với thời gian để tái thông mạch máu bị tắc.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa đóng vai trò quan trọng nhất để giúp rút ngắn tối đa thời gian bệnh nhân được điều trị đặc hiệu. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đang áp dụng quy trình chăm sóc bệnh nhân đột quỵ theo các tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ Châu Âu, giúp nhất quán trong quá trình điều trị, tăng khả năng điều trị thành công cho người bệnh.
Trong năm 2022, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đã nhận điều trị cho khoảng 2.000 bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Quy trình cấp cứu tối ưu, tỷ lệ tái thông mạch máu khoảng 6,5% là một trong những điều kiện giúp bệnh viện đạt chứng nhận chuẩn chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ.
Ê-kíp đang can thiệp bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ
Theo TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ), tiêu chuẩn chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ là thước đo để các đơn vị đột quỵ biết vị trí của mình đang ở đâu, là động lực để các đơn vị phấn đấu, nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ.
"Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị đột quỵ, trong năm 2023, bệnh viện có kế hoạch mở rộng khoa đột quỵ và sẽ thành lập trung tâm đột quỵ để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của người dân ĐBSCL" - bác sĩ Đức thông tin.
Chương trình chứng nhận chuẩn điều trị của các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ được Ủy ban Chấp hành Hội Đột quỵ Châu Âu thành lập năm 2007, sau này được phát triển, duy trì bởi Hội Đột quỵ thế giới.
Mục đích là thiết lập các tiêu chuẩn trong điều trị đột quỵ, cải thiện chất lượng và thống nhất trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, giảm bớt sự chênh lệch trong điều trị đột quỵ giữa các quốc gia.
Để đạt được chuẩn này, các trung tâm phải thỏa một loạt tiêu chí khắt khe về quy trình điều trị cấp cứu đột quỵ cấp, khả năng huấn luyện con người, trang thiết bị chẩn đoán, sự phối hợp giữa các khoa liên quan trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Bình luận (0)