Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang đã tiếp nhận cấp cứu cho một bé trai 8 tuổi, bị đuối nước, nhập viện trong tình trạng hôn mê, toàn thân tím tái, miệng mũi xuất tiết nhiều dịch và suy hô hấp độ 3 tiên lượng nặng. Mẹ bệnh nhi cho biết, con đi câu cá với nhóm bạn ở ao gần nhà, khoảng 15 giờ 30 bạn cháu vội vã chạy về báo là cháu bị ngã xuống ao. Ngay lập tức bố cháu đã nhờ người gọi nhân viên y tế và lặn xuống ao cứu cháu lên. Khi đưa cháu lên bờ thì cháu bé đã tím tái, ngừng thở, nhân viên y tế có mặt lúc ấy lập tức sơ cứu cho cháu. Sau khoảng 10 phút, cháu có phản xạ, gia đình đưa cháu tới Trung tâm tế huyện Việt Yên và được chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang.
Trẻ tử vong do đuối nước
Nhận được điện thoại từ đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Việt Yên báo tin đang chuyển tuyến bệnh nhi đuối nước, phải thở oxy và đề nghị các thầy thuốc bệnh viện hỗ trợ cấp cứu kịp thời nên kíp trực cấp cứu đã khẩn trương, sẵn sàng mọi phương tiện để cấp cứu. Khi nhập viện Sản nhi Bắc Giang, qua thăm khám, thầy thuốc nhận thấy trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê, toàn thân tím tái, miệng mũi xuất tiết nhiều dịch, tăng trương lực cơ, phổi nhiều ran ẩm và hút dịch có bọt hồng. Sau 1 ngày thở máy và điều trị tích cực, các chỉ số sinh tồn dần ổn định.
Bác sĩ đang điều trị bệnh nhi đuối nước tại Bênh viện Nhi Trương ương
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cấp cứu cho 3 trẻ ở Bắc Giang được tìm thấy khi đã bị đuối nước 30 phút. Dù được cấp cứu ép tim 40 phút, nhịp đập trở lại nhưng cả 3 sau đó đều tử vong. Trước đó, nhân dịp nghỉ lễ, 3 trẻ được người thân ở huyện Lục Ngạn dẫn ra bãi sông tắm, trong lúc không để ý, cả 3 cháu nhỏ bị nước cuốn trôi. Trường hợp khác là bé trai 8 tuổi ở Lào Cai, được chú dẫn đi nghỉ dưỡng. Khi đến resort, chú cho cháu cùng con trai 4 tuổi xuống ô tô trước đi gửi xe. Khi quay lại, người chú không thấy cháu đâu, khi hỏi con trai, cậu bé liền chỉ tay xuống khu vực hồ bơi. Khi chạy lại, bé trai đã chìm dưới đáy hồ, cháu bé sau đó được chuyển xuống Hà Nội điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.
Tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Tỉ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị.
Sơ cứu đúng cách, cơ hội vàng
Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết có một số gia đình khi đưa trẻ đi du lịch thì người lớn tập trung lại trò chuyện hay lướt điện thoại, hoặc để trẻ em trông nhau, khi quay lại thì đã muộn. Với trẻ em chỉ sau 3-5 phút chìm dưới nước đã gây ngừng tim, để lại di chứng tổn thương não không thể phục hồi. Do vậy, việc phát hiện sớm trẻ đuối nước và sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.
Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, tùy thuộc vào phương tiện có sẵn tại chỗ, tình trạng trẻ tỉnh hay hôn mê, có bị ngừng tim, ngừng thở hay không và tình hình thực tế mà cấp cứu bằng các cách khác nhau. Điều quan trọng là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời ngay cả khi trẻ có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau đuối nước.
Ngoài ra, bác sĩ Dũng cũng lưu ý hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp người đuối nước. "Chỉ có khoảng 40-50% trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương được sơ cứu đúng cách. Một nửa trường hợp còn lại vẫn dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp đã dừng lại để tiếp tục vác. Đây là cách sơ cứu hoàn toàn sai, làm lỡ cơ hội vàng cứu sống trẻ"- bác sĩ Dũng cảnh báo.
Theo bác sĩ Dũng cách cấp cứu đúng là ngay khi vớt trẻ lên, cần đặt trẻ nằm thẳng trên nền cứng, quan sát nhanh tình trạng trẻ, móc tất cả dị vật trong mũi, họng, sau đó nhanh chóng thực hiện ép tim và hà hơi thổi ngạt. Với người chưa có kỹ năng sơ cứu, cần thực hiện ép tim 15 lần, hà hơi 2- 5 lần, với nhân viên y tế chỉ cần thực hiện 2 lần hà hơi, ép tim 5 nhịp lặp lại liên tiếp cho đến khi trẻ có phản xạ. Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức giữa. Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực. "Sau 1 phút đánh giá lại xem bệnh nhân đã thở hay chưa và thực hiện bắt mạch. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục lặp lại động tác ép tim ngoài lồng ngực. Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực"- bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Bình luận (0)