Theo BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng
TP HCM, thói quen tránh nắng hoàn toàn có thể khiến nguy cơ loãng xương tăng cao, thậm chí khiến bệnh loãng xương “tìm đến” ngay ở độ tuổi thanh niên. “Chỉ cần tránh cái nắng trưa gay gắt, có hại cho sức khỏe, còn nắng sớm thì rất tốt cho cơ thể chứ không hại da như nhiều người nghĩ. Nắng sớm cần thiết cho việc tổng hợp vitamin D, một loại vitamin đặc biệt quan trọng trong quá trình tạo xương. Nếu cố bổ sung canxi, vitamin D qua đường ăn uống hay uống thêm thuốc bổ mà tránh nắng hoàn toàn thì cơ thể khó lòng hấp thu được” - BS Thu giải thích.
Những người dễ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu nắng nữa là bà bầu và trẻ em sơ sinh. Hiếm khi thấy 2 “đối tượng” này đi ra ngoài hoặc nếu có thì... toàn thân gần như kín mít, không tia nắng nào chạm tới. Tuy nhiên, đây lại là những người rất cần vitamin D - “vitamin mặt trời”.
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Sinh sản TP HCM, thai phụ cũng nên được tiếp xúc với nắng sớm như mọi người để bảo đảm sức khỏe cho mình và em bé. Riêng với trẻ sơ sinh, khi bác sĩ sản khoa, nhi khoa hướng dẫn phụ huynh chế độ phơi nắng cho các bé là đã tính đến yếu tố thời tiết nơi đang sống nên cha mẹ nên yên tâm tuân thủ. Trong mùa hè, nếu sợ nắng gắt, nên chọn cái nắng lúc 7-8 giờ sáng bởi đó là thời điểm nắng nhẹ, thời tiết dễ chịu.
Theo BS Mai Văn Thu, nắng sáng trước 10 giờ thường là nắng tốt nên có thể bảo đảm cơ thể đủ nắng bằng cách đơn giản như đừng che quá kín cơ thể trên đường đi làm. Nếu có cơ hội đi bơi, đi chơi biển... thì nên chọn trang phục bơi để những vùng da bình thường bị che bởi quần áo có cơ hội tiếp xúc với ánh nắng, giúp các khớp xương ở những vùng này được chắc khỏe hơn.
Trong một phát biểu trên tạp chí Health, BS Stephen Honig, Giám đốc Trung tâm Bệnh loãng xương tại Bệnh viện Joint Diseases (New York), cho biết khoảng 20-25 phút đi dưới ánh nắng hằng ngày sẽ hữu ích cho sức khỏe.
Bình luận (0)