Chị Nguyễn An M. (30 tuổi) tỏ ra mừng rỡ khi bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP HCM) nói chị có thể sinh thường đứa con thứ hai. "Tôi sinh bé thứ nhất cách đây 5 năm, phải mổ vì quá to, tới 4,5 kg. Tôi còn bị cao huyết áp thai kỳ nên ca sinh càng mệt mỏi" - chị nhớ lại.
Bắt đầu sợ sinh mổ
Chị Nguyễn An T., chị ruột và là người đưa M. đi khám thai, cho biết chính chị đã khuyên em gái đến BV lớn vì nghe nói nơi nào có đủ điều kiện thì có thể chấp nhận cho thai phụ từng sinh mổ được sinh thường. "Tôi đã 2 lần sinh con. Lần đầu, BS yêu cầu tập đi sau 24 giờ sinh, tôi chỉ thấy hơi đau; hết kỳ hậu sản 6 tuần đã bắt đầu tập thể thao trở lại. Tuy nhiên, lần sinh mổ thứ hai mới mệt mỏi, đau gấp mấy lần, đến vài tháng sau vẫn cảm thấy đuối sức".
Một ca sinh thường tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM)
Sau làn sóng chuộng sinh mổ vì sợ đau, sợ ảnh hưởng chuyện tình dục, để chọn ngày… khiến các chuyên gia y tế đau đầu một thời, hiện nay, nhiều thai phụ đã nhận ra lợi ích của ca sinh tự nhiên. Các chuyên gia khẳng định ca sinh tự nhiên đúng nghĩa - tức sinh thường với sự theo dõi của BS, nữ hộ sinh, tại cơ sở y tế đủ điều kiện chăm sóc cho mẹ và bé, được thăm khám đầy đủ trong thai kỳ - có rất nhiều ưu điểm.
Theo BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, sinh thường, theo ngả tự nhiên là phù hợp với tạo hóa. Có đến 70%-80% sản phụ có thể trải qua cuộc sinh thường êm xuôi, không trở ngại gì. Chỉ khi nào có gì bất thường, bệnh lý, yếu tố không thuận lợi… xuất hiện, có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé nếu sinh thường, BS mới chỉ định sinh mổ. Cụ thể: con quá to, xương chậu mẹ hẹp, ngôi thai bất thường, mẹ có bệnh lý gì đó không thể sinh thường…
BS Hải nhận định sinh mổ không an toàn và nhẹ nhàng hơn sinh thường như nhiều người nghĩ mà có những rủi ro riêng của một cuộc phẫu thuật. Quá trình sản phụ hồi phục sau sinh cũng ít nhiều đau đớn và khó khăn hơn ca sinh tự nhiên.
Có thể tự tăng cơ hội sinh thường
Thai phụ hoàn toàn có thể chủ động để đón đứa bé ra đời một cách tự nhiên. BS Hải cho rằng điều đầu tiên là sản phụ nên chuẩn bị tâm lý. "Không có cơn đau đẻ nào là quá sức chịu đựng của con người. Khi chu kỳ đau 1 phút, nghỉ 1 phút bắt đầu lặp lại, em bé còn 30 phút nữa sẽ ra đời và mỗi cơn đau sẽ không khi nào kéo dài trên 1 phút, đủ để người mẹ chịu đựng và vượt qua. Nếu sợ đau, sản phụ có thể "đẻ không đau" bằng gây tê ngoài màng cứng - một phương pháp mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng rộng rãi. Không bao giờ có chuyện đau đến mức không thể sinh thường" - ông nhấn mạnh.
BS chuyên khoa II Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc BV Hùng Vương (TP HCM), khuyên các bà mẹ tương lai nên tham gia các lớp học tiền sản từ khoảng 35 tuần thai, nhất là khi có quá nhiều thắc mắc không biết hỏi ai. Tại các lớp học này, thai phụ sẽ được hướng dẫn cách theo dõi cơn gò để biết khi nào mình sắp sinh, cách hít thở, thư giãn để tự giảm đau khi chuyển dạ, cách rặn đẻ để con ra đời dễ dàng hơn…
"Một số yếu tố có thể dẫn đến sinh mổ sẽ được cải thiện tại lớp học tiền sản, như các bài tập giúp thai nhi sớm quay đầu. Yoga cho thai phụ cũng giúp bà mẹ tương lai có tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, cuộc chuyển dạ được suôn sẻ hơn. Ngoài ra, theo dõi thai thường xuyên cũng giúp BS giảm tối đa nguy cơ sinh mổ. Một số trường hợp thai ngôi mông, song thai vẫn có thể sinh thường nếu bảo đảm một số yếu tố và được theo dõi cẩn thận" - BS Nghiêm phân tích.
BS Trần Ngọc Hải cho biết mang thai không phải là một tình trạng bệnh lý, đồng thời nhấn mạnh vai trò của lối sống trong việc sinh tự nhiên. Thai phụ nên giữ lối sống đủ năng động, đừng nên ngồi một chỗ quá nhiều, trừ khi có điều bất thường, bệnh lý gì đó như dọa sinh non khiến BS yêu cầu phải tạm thời hạn chế vận động. "Sự vận động đem lại sức khỏe. Sinh nở là một cuộc vượt cạn. Người có sức khỏe sẽ vượt cạn dễ dàng hơn người thụ động, sức khỏe không tốt" - BS Hải khẳng định.
Sinh thường ngăn nhiều nguy cơ bệnh tật ở trẻ
Từ lâu, nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước đã khuyến khích sinh thường vì lợi ích của cả em bé lẫn sản phụ. Nhiều nghiên cứu cho thấy quá trình sinh thường giúp bé hô hấp tốt hơn, giảm nguy cơ ngạt.
Đầu năm 2018, Đại học Edinburgh (Scotland) đã công bố nghiên cứu quy mô lớn nhất từ trước đến nay về ảnh hưởng của sinh thường, sinh mổ lên em bé. Các nhà khoa học đã theo dõi 29 triệu ca sinh suốt nhiều năm, kết hợp dữ liệu bổ sung từ 80 nghiên cứu sản phụ khoa trên toàn thế giới và kết luận: Trẻ ra đời bằng phương pháp sinh mổ tăng đến 59% nguy cơ béo phì từ tuổi lên 5 và tăng 21% nguy cơ suyễn ở tuổi 12. Lần mang thai sau, người mẹ từng sinh mổ cũng tăng 27% nguy cơ sẩy thai và 17% nguy cơ thai chết lưu.
Bình luận (0)