Ngày 17-6, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết cuối chiều ngày 16-6, ông đã có cuộc trò chuyện dài với bệnh nhân 91, nam phi công người Anh. Bệnh nhân cho biết trong 1 tuần qua anh đã gọi điện trò chuyện với bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Bệnh nhân cho biết vài ngày trước, anh đã nhận món quà của vợ chồng người bạn từ Scotland gửi tới anh, đó là chiếc khăn có ghi tên đội bóng mà anh yêu thích. Tên người nhận trên bưu phẩm từ Anh chỉ ghi chữ "bệnh nhân 91" và được gửi về Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM (Việt Nam).
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết bệnh nhân 91 có thể không còn phải ghép phổi
Từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 được tích cực điều nội khoa, hiện tại hoàn toàn tỉnh táo, hết nhiễm trùng. Theo ông Khuê, hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay bệnh nhân đã sử dụng được như bình thường và chân đã hồi phục được 4/5. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn được tập phục hồi chức năng và kiểm soát nguy cơ nhiễm khuẩn chặt chẽ. "Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân 91 không cần phải ghép phổi như dự định cách đây không lâu"- ông Khuê nói.
Ông Khuê cho biết trong cuộc trò chuyện với bệnh nhân vào chiều 16-6,bệnh nhân 91 đã nói rất nhiều, chia sẻ chuyện gia đình và cảm ơn các y bác sĩ Việt Nam đã chăm sóc anh ấy tận tình những ngày qua. PGS Khuê cho biết khi ông nói lời chúc bệnh nhân mau khỏe "để có thể trở về Anh", nam phi công người Anh đã phản xạ rất nhanh, lập tức "cự" lại ngay và cho biết quê hương ông là Scotland. "Bệnh nhân đã "cự" lại ngay lời tôi, ngay khi tôi dứt lời chúc bệnh nhân mau khỏe để trở về Anh. Điều này cho thấy phản xạ, hồi phục thần kinh của bệnh nhân như bình thường"- PGS Khuê cho biết.
Bệnh nhân 91 "khoe" chiếc khăn được một người bạn gửi từ Scotland
Trước đó, ngày 18-3, nam phi công người Anh phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân này đột ngột trở nặng, trong đó có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO. Ngày 3-6, bệnh nhân ngưng được ECMO và 9 ngày sau đó ngưng được thở máy dù bác sĩ đã dự đoán bệnh nhân phải mất nhiều ngày mới cai được máy thở. Ngày 15-6, bệnh nhân bắt đầu đứng được và tập đi với sự hướng dẫn của bác sĩ.
PGS Khuê cho biết khoảng 1 tháng trước các chuyên gia cũng như các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân không dám nghĩ đến kết quả này, vẫn dự đoán rằng bệnh nhân chỉ có thể tốt lên nếu can thiệp ngoại khoa, vì phổi bệnh nhân khi đó đã xơ hóa và là ổ vi khuẩn, nhưng giờ bệnh nhân đã hồi phục, chỉ còn chờ tập luyện để đi lại trở lại. Ngoài phương án ghép phổi, bệnh nhân cũng có thể phải ghép cả thận.
Bệnh nhân 91 hồi phục kỳ diệu trong những ngày qua- Ảnh: Minh Anh
Có 59 người đăng ký tình nguyện hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân 91, họ từ 21-76 tuổi, đều mong muốn có thể cứu được anh. Nhưng phi công người Anh với thể trạng cao 1m80 và nặng 100 kg trước khi bị bệnh, nếu ghép phổi cần phải ghép cả 2 lá, tức là nếu ghép phổi từ người hiến còn sống thì cần tới 2 người hiến tặng. Vì thế nếu bệnh nhân phải ghép phổi thì nguồn phổi phải là từ người hiến chết não. "Thật may mắn những phương pháp điều trị mà hội đồng chuyên môn đưa ra đều phát huy hiệu quả, bệnh nhân hồi phục kỳ diệu. Tôi có nói với bệnh nhân mức độ hồi phục phụ thuộc vào chính bệnh nhân, vào việc tập luyện và tuân thủ y lệnh của thầy thuốc. Nếu tích cực, bệnh nhân có thể trở lại buồng lái và bầu trời để tiếp tục công việc của một phi công" - PGS Khuê chia sẻ.
Đến nay, bệnh nhân 91 có thời gian 90 ngày điều trị và hiện là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta.
Bộ Y tế cho biết đến chiều 17-6 là đã qua 62 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18 giờ cùng ngày Việt Nam có tổng cộng 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Hiện cả nước có 235/335 ca mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi. Với 10 ca mắc Covid-19 còn lại sức khỏe ổn định.
Bình luận (0)