Trưa 11-5, thông tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết các bác sĩ nơi đây vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc cua lạ.
Theo đó, bệnh nhân nam tên L.V.M. (SN 1986; ngụ xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng bị ngộ độc cua lạ rất nguy kịch, suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử 2 bên 4mm, phản xạ ánh sáng (+), liệt tứ chi, được chuyển đến từ Trung tâm Y tế (TTYT) Quân dân y Côn Đảo.
Người nhà bệnh nhân, cho biết M. sau khi ăn 2 càng cua lạ được 10 phút thì anh M. xuất hiện cảm giác tê đầu lưỡi, tê 2 tay lan xuống chân, khó thở, nôn thức ăn ra ngoài nên được đưa đến ngay TTYT Quân dân y Côn Đảo cấp cứu, sau đó bệnh nhân hôn mê và được xử trí đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, rửa dạ dày trước khi có chuyến bay chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ đang điều trị và chăm sóc chú đáo cho bệnh nhân M.
Sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân được chỉ định thở máy và nhanh chóng chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị. Sau 2 giờ cấp cứu và điều trị, bệnh nhân bắt đầu có phản xạ đáp ứng kích thích và tỉnh táo dần, dù vẫn còn suy hô hấp cần hỗ trợ thở máy. Đến sáng 10-5, bệnh nhân đã ngưng thở máy, sinh tồn ổn định. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có tiến triển tốt, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, vận động tứ chi bình thường.
Đây là mặt trước của loài cua mặt quỷ được người nhà bệnh nhân M. cho biết
Theo hình ảnh được chụp lại của người thân bệnh nhân, loài cua lạ mà bệnh nhân ăn có tên khoa học là Zosimus aeneus (tên thường gọi là cua mặt quỷ). Cua mặt quỷ thường sinh sống tại các rạn san hô từ khu vực Nam Phi đến đảo Hawaii. Tại Việt Nam, loài cua này thường được tìm thấy tại vùng biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa- Vũng Tàu.
Đặc điểm dễ nhận biết là màu sắc sặc sỡ, đặc trưng bằng các nốt nâu trên nền nhạt ở vỏ. Đặc biệt, trong thịt và vỏ của nó có một lượng lớn chất kịch độc cho hệ thần kinh như tetrodotoxin và saxitoxin, có thể gây tử vong cho con người nếu không may ăn phải dù chỉ là liều cực thấp, khoảng 1-2 microgram/kg cân nặng (tương đương 0,5 gram thịt cua).
Mặt sau loài cua mặt quỷ được người nhà bệnh nhân M. cho biết
Các bác sĩ khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc cua mặt quỷ là không ăn những loài cua lạ, không rõ độc tính. Trong trường hợp nghi ngờ đã ăn phải cua mặt quỷ, cần nhanh chóng gọi cấp cứu đồng thời tìm mọi cách để nôn hết thức ăn vừa ăn ra ngoài để tiện cho việc điều trị được thuận lợi hơn.
Bình luận (0)