Sau tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo (CTNT) tử vong tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngành y tế nhiều địa phương đã có những bước đi nhằm chuẩn hóa hoạt động CTNT.
TP HCM tập trung rà soát
Tại TP HCM, ngay sau sự cố đó, ngành y tế đã chỉ đạo các BV tăng cường chất lượng kỹ thuật lọc máu, thận nhân tạo tại các cơ sở y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, hạn chế tối đa các sự cố, tai biến. Theo đó, cần tuân thủ nghiêm quy trình lọc máu - thận nhân tạo theo phác đồ của Bộ Y tế; bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn đối với nguồn nước và dụng cụ y tế; bảo đảm loại bỏ hoàn toàn hóa chất khử khuẩn tồn dư đối với dụng cụ lọc máu, đặc biệt là quả lọc, dây lọc máu và hệ thống nước R.O; bảo đảm các yêu cầu về nhân sự thực hiện lọc máu - thận nhân tạo cũng như các điều kiện cấp cứu kịp thời nếu xảy ra tai biến...
GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện ở TP có 32 BV đã triển khai kỹ thuật CTNT (12 BV TP, 13 BV quận - huyện và 7 BV tư nhân) với tổng số máy thận nhân tạo là 518. Qua chỉ đạo, đến nay, hầu hết các BV có đơn vị lọc thận, CTNT trên địa bàn TP đã khẩn trương rà soát lại quy trình, kỹ thuật đang thực hiện.
Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Nội thận Miễn dịch Ghép BV Nhân Dân 115 (TP HCM) - một trong những trung tâm CTNT lớn của cả nước với trên 400 bệnh nhân đang chạy thận, cho hay dù sự cố tại Hòa Bình vừa qua tác động bất lợi đến tâm lý một số bệnh nhân, đặc biệt là những người chuẩn bị xuất viện trở về địa phương nhưng BV đã làm mọi cách để người bệnh an tâm. "Với 66 máy CTNT, 4 ca/ngày với công suất 24/24 giờ, chúng tôi sẽ đáp ứng tốt" - bác sĩ Phương Dung nhấn mạnh.
Trong khi đó, BV quận Thủ Đức - đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm CTNT ở Trạm Y tế phường Bình Chiểu - cũng đã chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình chạy thận. BV đang quản lý 130 bệnh nhân và thực hiện CTNT 4 ca mỗi ngày. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân tại phường Bình Chiểu, BV đã chuyển số bệnh nhân chạy thận tại đây về BV; đồng thời sửa sang, nâng cấp phòng ốc, thiết bị, máy móc tại phường.
Theo Sở Y tế TP HCM, cùng với việc chỉ đạo tập trung rà soát, củng cố toàn bộ nguồn lực và quy trình chạy thận ở các BV, Sở Y tế cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các khoa hoặc đơn vị CTNT nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót.
Người bệnh được chạy thận nhân tạo tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM
"Phủ sóng" khu vực phía Nam
Nằm trong nỗ lực này, đại diện 75 BV và 24 sở y tế ở khu vực phía Nam cũng đã rà soát, tổ chức phổ cập lại chuyên môn qua khóa học "An toàn trong CTNT " do BV Chợ Rẫy vừa tổ chức. Đây là những đơn vị được BV Chợ Rẫy trực tiếp chuyển giao kỹ thuật CTNT. Có nhiều nội dung tập huấn xoay quanh các vấn đề về phòng chống nhiễm trùng và lây nhiễm chéo trong CTNT, an toàn trong lọc máu cấp cứu, chuẩn bị bệnh nhân trước lọc máu; các biến chứng thường gặp và cách xử trí; các vấn đề an toàn kỹ thuật khi lựa chọn các phương thức lọc máu..., trong đó an toàn cho bệnh nhân là vấn đề cốt lõi xuyên suốt khóa học.
PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết những nguy cơ xảy ra trong CTNT không an toàn cho người bệnh thường là: sai sót về thuốc; nhầm bệnh nhân, hồ sơ; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn từ môi trường và trang thiết bị, nguồn nước, dịch lọc; sự cố trong truyền máu; té ngã; tắc nghẽn mạch do khí; chịu sự cố từ trang thiết bị, máy móc lỗi; một số biến chứng như tụt huyết áp, chuột rút, suy tim, phù phổi. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân CTNT cần có những quy trình được chuẩn hóa.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy, trong các biến chứng chạy thận, có 10%-12% biến chứng do nhiễm khuẩn huyết liên quan đến catheter. Ngoài ra, thiếu sót trong chỉ định thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất trong các sự cố về thuốc, chiếm 69% tổng số sự cố được báo cáo. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như: thiếu nhân viên y tế có kiến thức, kỹ năng chuyên môn; quá tải công việc, quá tải bệnh nhân; thiếu trang thiết bị; môi trường y tế chật hẹp, dễ lây nhiễm…
Để hạn chế tai biến khi CTNT, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng thời 3 giải pháp là quản lý hành chính tốt, kiểm soát môi trường và thực hành tốt kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc, điều trị. Các BV cần thực hiện những giải pháp về chuẩn hóa quy trình CTNT; đầu tư thêm thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác điều trị và chăm sóc...
20 biến chứng thường gặp
Theo PGS-TS-BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Lọc máu TP HCM, mặc dù quy trình chạy thận lọc máu đã có quy định chặt chẽ nhưng vẫn có thể xảy ra khoảng 20 biến chứng trong quá trình lọc máu. Những tai biến thường gặp là tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn và nôn, nhức đầu, đau ngực, ngứa và sốt ớn lạnh. Trong đó, tụt huyết áp là một tai biến thường gặp khi chạy thận, nhất là ở bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường.
Bình luận (0)